Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay (7/6) bỏ phiếu chọn 5 Uỷ viên không thương trực cho Hội đồng Bảo an. Tại cuộc bầu cử này, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu bầu cao kỉ lục là 192/193 phiếu.

leftcenterrightdel
Tại một phiên họp của Liên Hợp Quốc. Ảnh:UN 

Ngoài Việt Nam, 3 nước khác được bầu vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an ngay sau vòng bỏ phiếu đầu tiên là Niger và Tunisia của nhóm khu vực châu Phi với cùng số phiếu 191/193, đảo quốc Saint Vincent và Grandier được 185/193 phiếu.

Khu vực Đông Âu không bầu ra được ủy viên mới nên phải tiến hành vòng bỏ phiếu đặc biệt thứ hai.

Với kết quả trên, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại HĐBA từ ngày 1/1/2020. Như vậy, Việt Nam còn nửa năm để chuẩn bị đảm nhiệm vị trí quan trọng này.

Hôm 6/6, khi được hỏi về lần tranh cử này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, sau khi có kết quả, nếu trúng cử, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ.

"Để chuẩn bị cho việc tham gia HĐBA, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế", bà Hằng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chúc mừng Việt Nam.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ) cùng 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm.

Thông qua các nghị quyết của mình, HĐBA có thẩm quyền thiết lập hoạt động gìn giữ hòa bình, ban hành các biện pháp trừng phạt quốc tế hoặc cho phép hành động quân sự. Trong khi các cơ quan khác chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận chính trị thì các quyết định của HĐBA có tính cưỡng chế thực hiện dựa trên cơ sở sự đồng ý chấp nhận và thực thi của các nước thành viên.

Với tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, lại là  chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 nên đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế, nỗ lực vi một thế giới hoà bình, thịnh vượng.

Thái An