Hôm 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện trầm trọng, không chỉ làm tê liệt nền kinh tế đất nước mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong những tháng gần đây, Công ty năng lượng nhà nước Eskom đã buộc phải áp dụng cơ chế cắt điện luân phiên 12 giờ mỗi ngày chưa từng có, như một giải pháp giảm tải. Công ty cũng thường xuyên đưa ra các lời xin lỗi do các sự cố quá tải dẫn đến mất điện bất thường. Tình trạng khiến các hộ gia đình chìm trong bóng tối, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và gây tổn hại cho hệ thống doanh nghiệp.

Eskom cũng yêu cầu khách hàng tắt điện khi ra khỏi nhà, tắt hoặc rút phích cắm các thiết bị điện để tránh điện áp tăng đột biến khi có điện trở lại.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trong thông điệp quốc gia hàng năm, năm 2023 tại Cape Town, ngày 9/2. Ảnh: Reuters/Esa Alexander/Pool.

Tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện được dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 0,3% trong năm nay so với 2,5% của năm ngoái.

“Bởi vậy, chúng tôi tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia để đối phó với cuộc khủng hoảng điện và những ảnh hưởng của nó... Những tình huống đặc biệt đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt.”, ông Ramaphosa giải thích trong thông điệp quốc gia hàng năm được phát biểu trước Quốc hội tại Tòa thị chính thành phố Cape Town.

“Cuộc khủng hoảng đã từng bước ảnh hưởng đến mọi thành phần xã hội. Chúng ta phải hành động để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng đối với nông dân, doanh nghiệp nhỏ, cơ sở hạ tầng nước và mạng lưới giao thông.”, Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh.

Cuộc khủng hoảng điện tại Nam Phi đã diễn ra trong nhiều năm, là hệ quả của sự chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện mới, cũng như những rào cản hạn chế các nhà đầu tư tư nhân nhanh chóng đưa năng lượng tái tạo vào khai thác.

leftcenterrightdel
 Nhà máy điện Arnot chạy bằng than của Eskom. Ảnh: Gerhard Roux/Wikimedia.

Trong khi Eskom đã lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất và phải vật lộn để duy trì cơ sở hạ tầng điện chạy bằng than đá của đất nước. Nhà cung cấp điện đã sa lầy vào các vụ bê bối tham nhũng trong các hợp đồng cung cấp than dưới thời cựu Tổng thống Jacob Zuma.

Tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia mang lại cho chính phủ thêm quyền hạn để đối phó với khủng hoảng, bao gồm cả việc cho phép các thủ tục mua sắm khẩn cấp với ít sự giám sát và quan liêu trì trệ hơn.

Cơ chế cũng mở ra nguồn tài trợ bổ sung cho chính phủ để nhanh chóng đầu tư thiết bị năng lượng mới, như máy phát điện và hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Quy định tình trạng thảm họa quốc gia cũng đã được chính quyền Nam Phi sử dụng để cho phép các cơ quan y tế phản ứng nhanh hơn với đại dịch COVID-19.

Tuyên bố thảm họa quốc gia của Tổng thống Ramaphosa đã vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập trong Quốc hội, bao gồm Liên minh Dân chủ, vốn cáo buộc đảng Đại hội dân tộc Phi của ông Ramaphosa đã ban hành các quy định vô nghĩa và lạm dụng quy trình mua sắm trong đại dịch.

Văn Phong/Reuters, AFP, Eskom