Con số thương vong vì sóng thần tại Indonesia không có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận nhiều khu vực bị ảnh hưởng, đẩy giới chức nước này vào một cuộc chạy đua mới với thời gian.

Người phát ngôn Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho xác nhận trận sóng thần xảy ra tối 22-12 đã làm ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người khác bị thương.

Theo ông Sutopo, con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng lên do nhiều khu vực bị sóng thần tràn qua vẫn chưa thể tiếp cận.

leftcenterrightdel
 Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy dưới những đống đổ nát. Ảnh: Reuters
leftcenterrightdel
 Nhà chức trách đang tập hợp thi thể các nạn nhân được tìm thấy ở bãi biển Carita sáng 23/12. Ảnh: Daily Mail

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ sóng thần ập đến bất ngờ tối 22-12 tại Eo biển Sunda là Serang và South Lampung, cùng vùng Pangdeglang thuộc tỉnh Banten, Java, bao gồm Công viên quốc gia Ujung Kulon và những bãi biển nổi tiếng phía tây nam thủ đô Jakarta.

Người phát ngôn BNPB cũng cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra một cơn sóng thần khác là rất có thể bởi núi lửa Krakatoa vẫn đang hoạt động. Những cảnh báo thủy triều vẫn được đưa ra đến hết ngày mai và người dân được khuyến cáo tránh xa bờ biển trong thời điểm này.

Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm. 

leftcenterrightdel
 Ảnh: AP
leftcenterrightdel
 Hiện trường hoang tàn do sóng thần gây ra tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học cho biết sóng thần có lẽ được hình thành do vụ phun trào của núi lửa Anak Krakatoa, một hòn đảo núi lửa hình thành trong nhiều năm gần đó. Họ cũng cho biết nguyên nhân còn có thể do sự cộng hưởng của thủy triều bất thường trong thời điểm trăng tròn.

Thảm họa sóng thần tối 22-12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.

leftcenterrightdel
 Người dân xót xa nhìn nhà cửa bị sóng thần tàn phá. Ảnh: Reuters

Người dân Indonesia đang phải hứng chịu một năm kinh hoàng khi những thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra. Hồi tháng 9 vừa qua, thảm họa kép động đất - sóng thần xảy ra tại đảo Sulawesi nước này đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người trong khi 5.000 người khác vẫn đang mất tích.

Trong một bài chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân sóng thần ở Pandeglang, Serang và South Lampung. "Tôi đã yêu cầu tất cả các quan chức chính phủ có liên quan ngay lập tức triển khai các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc những người bị thương", ông nói.

leftcenterrightdel
 Nhân viên cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân vụ sóng thần ở Carita, Indonesia ngày 23/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tại, các lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân sống sót dưới những đống đổ nát. Nhà chức trách khuyến cáo cư dân địa phương và du khách tránh xa các bãi biển ở vùng duyên hải quanh Eo Sunda. Cảnh báo sóng thần vẫn có hiệu lực đến ngày 25/12.

Thế Đức (t/h)