Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp
Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được ông Trump đưa ra trong phát ngôn hôm 13/3. "Tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, hai từ rất quan trọng", Trump nói, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đối mặt với những chỉ trích vì phản ứng chậm và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19.
|
|
Tổng thống Trump ngồi cạnh người đồng cấp Brazil Bolsonaro - người có cố vấn thân cận mắc Covid-19. Ảnh: Getty |
Truyền thông Mỹ nói rằng ông Trump đang có nguy cơ cao với loại bệnh này do có tiếp xúc với nhiều người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Ông Trump chưa xác nhận chính thức, song úp mở rằng ông có thể sẽ đi xét nghiệm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ ghi nhận hơn 2.200 ca nhiễm Covid-19, gần 48 người chết, nằm trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch. Trump thông báo sẽ cho các bang và vùng lãnh thổ quyền tiếp cập lên tới 50 tỷ USD trong quỹ liên bang để đối phó dịch.
"Tôi thúc giục mọi bang thiết lập các trung tâm hoạt động khẩn cấp ngay lập tức", ông nói. Để so sánh, ông Trump vài tuần trước nói rằng Covid-19 không quá nguy hiểm và rằng dịch cúm mùa mỗi năm còn khiến hàng chục ngàn người Mỹ thiệt mạng.
Châu Âu thành tâm dịch mới
Cùng thời điểm, nhiều nước châu Âu cũng đang có những bước đi mạnh mẽ ngăn dịch. Tổ chức Y tế thế giới WHO hiện đánh giá châu Âu là lục địa bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch. "Hiện giờ mỗi ngày châu Âu đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều hơn ở Trung Quốc vào thời kỳ cao trào", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 13/3.
|
|
Các nước châu Âu có nhiều tên nhất trong danh sách 9 nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19. Ảnh chụp màn hình worldometer |
Theo Reuters, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu mới nhất ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong tăng 50% trong một ngày, lên 121 người trong ngày 13/3. Tổng số ca nhiễm của nước này cũng đã tăng lên hơn 5.200 ca.
Italia, quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch sau Trung Quốc, trước đó phong toả toàn lãnh thổ vì Covid-19. Đã có 250 người chết trong vòng 24 giờ qua ở nước này, nâng tổng số người tử vong vì dịch lên 1.266 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 17.660.
Các nước khác như Đức và Pháp ghi nhận khoảng 3.600 đến 3.700 ca nhiễm, hàng chục người chết. Ba Lan ngày 13/3 thông báo đóng cửa các biên giới với du khách nước ngoài trong bối cảnh nước này đã có ít nhất 68 ca bệnh.
Đan Mạch cũng sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ trưa 14/3 (tức 18h00 cùng ngày giờ Việt Nam). Tổng số ca nhiễm bệnh ở châu Âu đã vượt quá mốc 30.000 người.