Chín mươi trẻ em bị bắt cóc từ trường học Hồi giáo Salihu Tanko ở Tegina, bang Niger, Nigeria đã được trở về với gia đình vào ngày 27/8, sau khi bị nhóm phiến quân Hồi giáo bắt cóc và giam giữ trong gần 3 tháng, một trong số các vụ bắt cóc tống tiền hàng loạt bởi các băng nhóm có vũ trang, như một cách kiếm tiền.   

Vụ phóng thích được thực hiện sau khi nhóm phụ huynh đã trả tổng cộng 65 triệu naira (160.000 USD) và 6 chiếc xe máy làm tiền chuộc.

leftcenterrightdel
Người mẹ giữ chặt con trai mình, sau khi cậu và các bạn được các tay súng thả vào ngày 27/8. Ảnh: Reuters / Stringer. 

“Hôm nay là ngày vui và hạnh phúc nhất đối với tôi và gia đình. Đây thực sự là một giấc mơ, sau khi chúng tôi bắt đầu mất hi vọng.”, Ali Gimi, người có 5 đứa con nằm trong số số học sinh bị bắt cóc bày tỏ.

Các nhà chức trách cho biết, ban đầu 136 học sinh đã bị bắt cóc tại trường, tuy nhiên một số cháu sau đó đã trốn thoát. Một bé trai 5 tuổi đã chết trong khi bị giam cầm. Những kẻ bắt cóc từng nói, 6 đứa trẻ đã chết, tuy nhiên thông tin này sau đó được xác định là dối trá nhằm hù dọa các bậc phụ huynh mau chóng trả tiền chuộc.

leftcenterrightdel
90 học sinh sau khi được thả. Ảnh: Reuters / Stringer. 

Ahmed Mohamed, một trong số những học sinh bị bắt cóc nói với các nhà báo: “Chúng cháu đã phải chịu đựng cực hình khi ở trong tay của họ. Họ trói chúng cháu từ sáng đến tối".

Bắt cóc hàng loạt học sinh nhằm đòi tiền chuộc, từng là một chiến thuật của các chiến binh Hồi giáo nhằm đe dọa người dân, đã trở thành một “nghề” kiếm tiền của các băng nhóm vũ trang. Các nhà chức trách cho biết 1.000 trẻ em đã bị bắt cóc kể từ tháng 12 năm ngoái ở tây bắc Nigeria, gieo rắc nỗi sợ hãi cho dân chúng.

leftcenterrightdel
Niềm vui của một học sinh sau khi được đón trở về gia đình. Ảnh: Reuters / Stringer. 

Hôm 27/8, những kẻ bắt cóc cũng đã thả 15 sinh viên và 4 nhân viên bị bắt vào đầu tháng 8 từ một trường cao đẳng nông nghiệp ở bang Zamfara, một nguồn tin của trường nói với Reuters. 

Chính phủ đã khẩn thiết yêu cầu các bang không trả tiền chuộc để tránh tạo tiền lệ, nhưng các bậc cha mẹ và cộng đồng trong tình thế lo lắng và tuyệt vọng đã gây quĩ để tự giải cứu con em của họ. 

leftcenterrightdel
Sự mệt mỏi, tiều tụy của các cháu học sinh sau gần 3 tháng bị nhóm bắt cóc giam giữ. Ảnh: Reuters / Stringer. 

"Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa chúng ra trước công lí. Chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để truy lùng và trừng phạt những kẻ liên quan đến hành động vô nhân tính này.", Thống đốc bang Niger, Abubakar Sani Bello, tuyên bố. 

Nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP), thường được biết đến với cái tên Boko Haram, có liên kết với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, được thành lập năm 2002 và có trụ sở tại Nigeria, tuy nhiên cũng hoạt động tại Cộng hòa Sát, Niger và phía Bắc Cameroon.

leftcenterrightdel
Lực lượng phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP), thường được gọi là Boko Haram. Ảnh: Issafrica.

Boko Haram chủ trương một hình thức luật Hồi giáo Sharia hà khắc, cấm nền giáo dục phương Tây, như thái độ của IS và Taliban ở Afghanistan.

leftcenterrightdel
Cùng với IS, Boko Haram được xếp vào nhóm khủng bố tàn bạo nhất. Ảnh: Jamestown. 

Những năm qua, Boko Haram thực hiện cuộc chiến du kích chống lại lực lượng chính phủ, trong nỗ lực thành lập một Nhà nước Hồi giáo tại Nigeria, là thủ phạm của phần lớn các cuộc tấn công xảy ra ở nước này, bao gồm tấn công vào những khu dân cư, cướp của và bắt cóc con tin. Một trong những nguồn tài chính đáng kể của nhóm là từ nguồn bắt cóc tống tiền, bao gồm bắt cóc các khách du lịch nước ngoài.

Huy Anh/Reuters