Ngày 8/5, Bộ Phòng vệ Nhật Bản ra thông báo nói, trước đó vào sáng cùng ngày, Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa đạn đạo về phía Biển Nhật Bản.
Các tên lửa này được nói đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, không có tàu thuyền nào bị hư hại do vụ phóng.
Nói với truyền thông, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, một trong những tên lửa được phóng vào khoảng 9h20’ đạt độ cao tối đa khoảng 100 km và có thể đã bay theo quỹ đạo bất thường.
Ông Nakatani cũng cho biết, Tokyo đã gửi công hàm phản đối nghiêm khắc tới Bình Nhưỡng về vụ phóng.
    |
 |
Ngày 6/1, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung- xa (IRBM) mới, gắn đầu đạn siêu thanh. Nguồn: KCNA. |
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, trong thời gian hơn một giờ từ khoảng 8h10’ đến 9h20’ sáng, miền Bắc đã phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, nghi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, từ vị trí gần thành phố Wonsan, tỉnh Kangwon, Đông Nam Triều Tiên, hướng ra vùng biển phía Đông.
Các tên lửa này đã bay xa tối đa khoảng 800 km trước khi rơi xuống biển.
JCS nhận định, vụ phóng thử nghiệm lần này của Triều Tiên là để đánh giá hiệu suất trước khi xuất khẩu hoặc để kiểm tra độ ổn định khi bay của tên lửa.
Bình Nhưỡng được cho là đã phóng thử nghiệm kết hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23, được mệnh danh là tên lửa Iskander phiên bản Triều Tiên, cùng với pháo phản lực cỡ nòng siêu lớn 600 mm KN-25.
Đặc biệt, vụ phóng thử nghiệm lần này được Triều Tiên thực hiện theo hình thức phóng liên tiếp 4-5 lần từ xe chuyên chở kiêm bệ phóng tên lửa di động (TEL).
    |
 |
Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu với báo giới tại Tokyo, ngày 8/5, sau khi Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo về phía Biển Nhật Bản. )Ảnh chụp màn hình, nguồn Kyodo). |
Động thái phóng tên lửa đạn đạo lần này của Triều Tiên diễn ra sau khoảng hai tháng kể từ đợt phóng vào ngày 10/3 vừa qua.
Đây là vụ phóng thứ hai kể từ khi Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump ra mắt vào tháng 1 và là vụ phóng thứ 4 của Bình Nhưỡng trong năm nay, sau vụ phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung và tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) lần lượt vào ngày 6 và 14/1, cùng tên lửa đạn đạo tầm gần (CRBM) vào ngày 10/3.
Bình Nhưỡng gần đây không phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), mà chủ yếu tập trung vào SRBM và CRBM.
Động thái này được cho là nhằm tránh kích động đến chính quyền của Tổng thống Trump, cũng như là để chuẩn bị cho việc xuất khẩu loại vũ khí này sang đối tác gần gũi.
Sáng cùng ngày, Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp rà soát tình hình an ninh, thảo luận các phướng án đối phó với vụ phóng của Triều Tiên.
    |
 |
Vụ phóng thực hiện từ bờ biển Đông Nam Triều Tiên hướng ra Biển Nhật Bản. Ảnh: NHK. |
Thông báo của Văn phòng này cho biết, đang theo sát động thái của Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng để có thể ứng phó với bất kỳ “hành động khiêu khích” nào của Bình Nhưỡng.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ cũng lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng hạn chế “các hành vi trái phép”, khiến tình hình trở nên bất ổn.
Cơ quan này cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ động thái của Triều Tiên, dù vụ phóng của Bình Nhưỡng không đe dọa lập tức tới người dân, lãnh thổ hay các nước đồng minh của Mỹ; đồng thời khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết, quan chức hạt nhân ba nước Hàn- Mỹ- Nhật cùng ngày đã điện đàm, chia sẻ đánh giá và thảo luận phương án phối hợp về vụ phóng của Triều Tiên.
Ba bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục theo dõi khả năng Triều Tiên có thêm các “động thái khiêu khích”, từ đó duy trì hợp tác chặt chẽ để ứng phó cứng rắn với các “hành vi đe dọa” của Bình Nhưỡng, dựa trên nền tảng đồng minh Hàn- Mỹ vững chắc và hợp tác an ninh Hàn- Mỹ- Nhật.