Nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo trong trận quyết chiến cuối cùng tại Syria
Cập nhật lúc 08:03, Thứ bảy, 01/09/2018 (GMT+7)
Quân đội chính phủ Syria đang chuẩn bị cho đợt tấn công dữ dội nhất nhằm vào thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy – tỉnh Idlib. Một số người cảnh cáo trận quyết chiến có thể tạo ra một thảm kịch khác – một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại đây.
|
|
Người lớn và trẻ em Syria được chữa trị sau một vụ nghi là tấn công bằng vũ khí hóa học ở làng Al Shifuniyah, miền Đông Ghouta, ngoại ô Damascus. Ảnh: AFP |
Đài phát thanh Australia SBS trích một nguồn tin thân cận với chính quyền Damascus đưa tin lực lượng chính phủ đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công tỉnh phía tây bắc Idlib và các khu vực xung quanh.
Chiến dịch ban đầu sẽ nhắm tới các vùng phía tây và phía nam lãnh thổ của phe nổi dậy, xung quanh thị trấn Idlib. Một quan chức trong vòng đồng minh khu vực hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiết lộ: “Những bước chuẩn bị cuối cùng cho giai đoạn tấn công đầu tiên sẽ được hoàn thành trong vài giờ tới". Tuy nhiên quan chức này không cho biết thời điểm cụ thể chiến dịch bắt đầu triển khai. Vị quan chức thông báo giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang diễn ra các cuộc đàm phán liên quan tới chiến dịch tấn công.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), một chiến dịch lớn như trên sẽ tiếp tục khiến thêm 700.000 người dân Syria mất nhà cửa. Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 29/8 cảnh báo các chiến dịch quân sự toàn diện tại tỉnh Idlib có thể dẫn tới một “thảm họa nhân đạo” và nguy cơ xuất hiện vũ khí hóa học.
Tuyên bố của LHQ có viết: “TTK quan ngại sâu sắc về nguy cơ thảm họa nhân đạo trong chiến dịch quân sự toàn diện tại tỉnh Idlib ở Syria. TTK một lần nữa khẳng định bất kỳ trường hợp nào sử dụng vũ khí hóa học đều không thể chấp nhận được”.
Ông cũng hối thúc chính phủ Syria và các bên liên quan “kiềm chế và ưu tiên bảo vệ người dân”.
Chiến dịch lần này của Syria cũng làm tăng nguy cơ khiến căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ leo thang. Trước đó, quân đội Ankara đã xây dựng một vòng các trạm quan sát quanh lãnh thổ của phe nổi dậy trong một thỏa thuận “giảm căng thẳng” với Nga và Iran.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ hi vọng Ankara và Moskva có thể tìm ra một giải pháp cho Idlib, cảnh báo một chiến dịch ném bom sẽ gây ra thảm sát. Ankara cũng lo sợ chiến dịch lớn lần này có thể tạo một làn sóng người tị nạn mới tràn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu của phương Tây, hiện có khoảng 3 triệu người gặp nguy hiểm trong tỉnh Idlib, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong các cuộc họp kín tại LHQ vào hôm 28/8 do Nga đề xuất, Moskva tuyên bố các thành viên của nhóm “Mũ bảo hiểm trắng” đang chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học tại Idlib và phương Tây sẽ viện cớ đó để tấn công Syria. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây cho rằng, tuyên bố trên là nỗ lực nhằm phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch quân sự tại Idlib mà chính quyền Syria sắp phát động.
Trong một phiên họp công khai về Syria ở LHQ, Nga phủ nhận mọi khả năng chính quyền Damascus thực hiện một cuộc tấn công hóa học ở Idlib. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nevenzia khẳng định quân đội Syria không có vũ khí hóa học và cũng không có ý định sử dụng bất kỳ loại vũ khí hóa học nào.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Mỹ và các đồng minh có thể thực hiện một đợt tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria trong vòng 24 giờ. Theo bà Maria Zakharova, nhóm tác chiến tấn công của liên quân hiện có khoảng 70 phương tiện được triển khai ở Trung Đông. Khối lượng vũ khí ước tính khoảng 380 tên lửa hành trình. Bà cho hay Hải quân Mỹ đã bố trí các tàu khu trục tên lửa Karni và Ross quanh quốc gia Trung Đông này, trong đó mỗi tàu mang 28 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Hồng Hạnh/Báo tin tức