Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Canada, bỏ dùng điện thoại iPhone và mua điện thoại Huawei đang trở thành trào lưu trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc, cho thấy sự giận dữ của người dân nước này về vụ bà Mạnh bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, Bloomberg ngày 11-12 cho hay.

Bloomberg nói rằng nhiều công ty Trung Quốc thậm chí đăng thông báo lên tài khoản mạng xã hội với nội dung ủng hộ Huawei, dọa phạt nhân viên mua iPhone và sẵn sàng chú cấp cho nhân viên mua các sản phẩm từ Huawei.

Trong số này, một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hứa hỗ trợ 15% tiền mua điện thoại Huawei hoặc ZTE, và phạt nặng nhân viên nào mua iPhone. Một công ty khác thậm chí hứa “cho không” 72 USD bất kì nhân viên nào đang sử dụng smartphone Huawei, đồng thời sa thải những ai sử dụng iPhone.

leftcenterrightdel
Dân mạng Trung Quốc ùn ùn kêu gọi tẩy chay iPhone vì Huawei. Ảnh: AP 

Trên Weibo cũng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay các thương hiệu Canada, bao gồm áo khoác lông vũ cao cấp Canada Goose. Công ty này có kế hoạch mở một cửa hiệu cực lớn ở Bắc Kinh, song đang điêu đứng vì giá cổ phiếu lao dốc 18% kể từ khi có tin về vụ bắt bà Mạnh.

Canada ngày 6-12 xác nhận Giám đốc tài chính, Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã bị bắt theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran.

Bà này bị bắt tại thành phố Vancouver cách đó gần một tuần, khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, dấy lên lo ngại vụ bắt giữ nữ doanh nhân này có thể phá hỏng cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Huawei, được thành lập năm 1987, từ lâu đã nằm trong "tầm ngắm" của giới chức Mỹ. Huawei và Apple là hai kì phùng địch thủ trên thị trường điện thoại thông minh. Bởi vậy, không khó hiểu khi iPhone trở thành “nạn nhân” bị chú ý nhất.

Việc cư dân mạng Trung Quốc nổi giận về vụ bắt giữ bà Mạnh được đánh giá là khá giống cơn giận nổ ra đối với Nhật Bản vào năm 2012, khi Bắc Kinh và Tokyo leo thang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Khi đó, các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản đã diễn ra và hàng hóa Nhật bị tẩy chay. Chỉ trong vòng vài ngày, nhiều cửa hàng bán oto Nhật bị đập phá, đốt cháy. Các cửa hàng thời trang của người Nhật theo đó cũng buộc phải đóng cửa.

Hiện giới chức Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp để xoa dịu làn sóng phẫn nộ nói trên, đồng thời thắt chặt an ninh tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ và Canada để tránh tình huống xấu.

                                                                       

Thái Hà