Hôm 30/7, hàng ngàn người biểu tình trung thành với giáo sĩ có ảnh hưởng Mutada al-Sadr trong trạng thái giận dữ đã một lần nữa kéo đổ hàng rào an ninh, xâm nhập vào Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, khu vực an ninh nghiêm ngặt, nơi đặt các tòa nhà chính phủ và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, bất chấp lực lượng an ninh sử dụng hơi cay và vòi rồng.
Những người ủng hộ giáo sĩ Sadr đã ném đá trong khi cảnh sát bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng.
Đám đông phản đối nỗ lực thành lập chính phủ do các đối thủ của ông al-Sadr khởi xướng, một liên minh gồm các nhóm bị cáo buộc do Iran hậu thuẫn.
|
|
Đám đông người biểu tình vượt qua cây cầu dẫn đến Vùng Xanh ở Baghdad, Iraq, hôm 30/7. Ảnh AP / Anmar Khalil. |
“Chúng tôi ở đây để làm một cuộc cách mạng. Chúng tôi đang kêu gọi một chính phủ không có tham nhũng… và đó là những yêu cầu của người dân.”, một người biểu tình nói.
Theo Al Jazeera, người biểu tình không muốn các chính trị gia bị cáo buộc tham nhũng trước đây tiếp tục nắm quyền, cũng không muốn đất nước có bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài.
Người biểu tình tuyên bố sẽ không rời khỏi tòa nhà Quốc hội cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng.
|
q |
Người biểu tình đẩy đổ hàng rào an ninh bằng bê tông tiến vào Vùng Xanh. Ảnh AP / Anmar Khalil. |
Một phiên họp Quốc hội để bỏ phiếu chọn Thủ tướng dự kiến diễn ra vào 30/7 đã bị hủy bỏ.
Theo Bộ Y tế Iraq, ít nhất 125 người đã bị thương, bao gồm 100 dân thường và 25 nhân viên an ninh.
Phái bộ LHQ hỗ trợ Iraq (UNAMI) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn leo thang ở thủ đô Baghdad.
|
|
Hàng ngàn người biểu tình chiếm giữ tòa nhà Quốc hội. Ảnh: AP / Anmar Khalil. |
"Tiếng nói của lý trí và sự sáng suốt là rất quan trọng để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn. Tất cả các bên cần kiềm chế vì lợi ích của người dân Iraq.", UNAMI viết trên Twitter.
Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Mustafa Al-Kadhimi, người hiện là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, đã kêu gọi người biểu tình tỏ thái độ ôn hòa, không để tình hình leo thang.
Trong một tuyên bố hôm 30/7, ông Al-Kadhimi yêu cầu những người biểu tình chấp hành mệnh lệnh của lực lượng an ninh; nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện mọi biện pháp hợp pháp để duy trì trật tự.
|
|
Những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr vẫy cờ bên trong Quốc hội Iraq ở Vùng Xanh hôm 30/7, phản đối đề cử Thủ tướng của khối đối thủ. Ảnh: Ahmad Al-Rubaye/AFP/ Getty. |
Các cuộc biểu tình khởi phát sau khi Mohammed Shiya al-Sudani, một cựu Bộ trưởng và cựu Thống đốc được liên minh các đảng phái thân Iran Coordination Framework, liên minh người Shiite lớn nhất trong Quốc hội Iraq, chính thức đề cử chức Thủ tướng hôm 25/7.
Hôm 27/7, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào Vùng Xanh, xâm nhập tòa nhà Quốc hội ngăn phiên họp để đề cử Thủ tướng mới.
|
|
Người biểu tình giương cao ảnh giáo sĩ Shiite Muqtada al-Sadr. Ảnh: AP / Anmar Khalil. |
Mặc dù liên minh của al-Sadr đã giành được 73 ghế, nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 10 năm ngoái, nhưng không đạt được đa số cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Sau khi các cuộc đàm phán bị bế tắc, al-Sadr đã rút liên minh của mình khỏi Quốc hội và tuyên bố sẽ rời khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ.
Đến nay, đã 10 tháng sau bầu cử, bế tắc chính trị ở Iraq vẫn chưa được hóa giải khi giáo sĩ al-Sadr tuyên bố, không chấp nhận một chính phủ có ảnh hưởng của nước ngoài cũng như nạn tham nhũng đã hoành hành ở Iraq trong nhiều thập kỷ.