Defense News ngày 27-1 dẫn báo cáo về nguồn ngân sách chi cho quốc phòng của Mỹ trong 10 năm tới được quốc hội nước này thông qua cho hay khoản tiền mà Washington lên kế hoạch chi cho việc hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân là 494 tỷ USD, tức 50 tỷ USD mỗi năm.

leftcenterrightdel
 Tên lửa hạt nhân Titan 2 của Mỹ được lưu trong kho ngầm. Ảnh: Sputnik

Theo báo cáo, con số này liên tục tăng trong những năm qua, cao hơn 23% so với con số 400 tỷ USD công bố năm 2017, vốn đã cao nhỉnh hơn mức của năm 2015 gần 15%.

Đây được xem là khoản ngân sách khổng lồ vì nó thậm chí cao hơn cả tổng mức chi quốc phòng trong năm của Nga. Trong năm 2018, Moscow phân bổ 48 tỷ USD cho mọi hoạt động quốc phòng, bao gồm cả duy trì can thiệp quân sự ở Syria, lẫn việc mua hàng trăm loại khí tài hiện đại.

Theo Bản Đánh giá Hạt nhân do chính quyền Mỹ công bố, nước này sẽ tập trung vào phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, phát triển tên lửa hành trình mới phóng từ biển và tăng cường sản xuất plutonium - nguyên liệu chính của tên lửa hạt nhân.

Bên cạnh đó, theo tuyên bố cách đây không lâu của Nga, Mỹ đã tính tới việc phân bổ một khoản tiền không nhỏ để sản xuất vũ khí chiến lược sau khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kí với Nga.

Các khoản ngân sách trên được Mỹ thông qua trong bối cảnh Nga liên tiếp cho ra mắt những loại vũ khí răn đe vượt trội như tên lửa Kinzhal, thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard, ngư lôi sử dụng nhiên liệu hạt nhân.

Các chuyên gia lẫn quan chức quốc phòng Mỹ gần đây thừa nhận nước này không có năng lực đánh chặn những loại vũ khí răn đe nói trên của Nga, bởi vậy, việc phát triển những vũ khí răn đe tương tự để tránh bị Nga vượt mặt quá xa là giải pháp duy nhất.

Thái An