Cuộc khủng hoảng ở Venezuela liên tiếp tăng nhiệt những ngày qua, trong bối cảnh Mỹ đang sử dụng mọi biện pháp để lật đổ chính quyền hợp hiến ở Caracas. Hôm 23/1, vài giờ sau khi lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido tự phong mình là "Tổng thống lâm thời", Washington lập tức công nhận ông này và lôi kéo nhiều nước đồng minh hành động tương tự.
|
|
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido. Ảnh: AP |
Trong ngày kế tiếp, chính quyền của Tổng thống Trump gia tăng áp lực lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, bằng việc áp dụng loạt biện pháp chế tài dầu mỏ đối với Venezuela và triệu tập Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về vấn đề quốc gia Nam Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng, những hành động "nhuần nhuyễn" của Mỹ trong vấn đề Venezuela không khác nhiều cách Mỹ tiến hành can thiệp các cuộc khủng hoảng ở Syria, Lybia, Iraq trong quá khứ và các biện pháp này đi cùng những toan tính rất cụ thể.
Kế hoạch bí mật
Tờ Wall Street Journal ngày 26/1 đã tiết lộ thông tin cực sốc, khi cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump đêm 22 rạng sáng ngày 23/1 đã gọi điện cho những người chống lại ông Maduro cùng những lời hứa hẹn về tương lai.
Các cuộc điện thoại này do đích thân Phó Tổng thống Mike Pence thực hiện và được xem là "tín hiệu" khởi động một "kế hoạch" bí mật.
Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết, ngay sau cuộc trò chuyện, ông Guaido lập tức tuyên bố mình là nguyên thủ quốc gia tạm thời, hứa hẹn sẽ thành lập "chính phủ lâm thời" rồi sau đó sẽ tổ chức bầu cử.
|
|
Mỹ bị cáo buộc có những toan tính cụ thể trong cuộc khủng hoảng Venezuela. Ảnh :Reuters |
Nội dung của kế hoạch bí mật này không được tiết lộ, song Wall Street Journal cho biết chính quyền Mỹ đã tính toán đến kế hoạch này trong vài tuần rồi mới thực hiện.
Cùng ngày, hãng tin AP thông báo Tổng thống tự xưng Venezuela, Juan Guaido đã bí mật đến Mỹ và các nước láng giềng lớn kể từ tháng 12-2018, nhằm điều phối chiến lược chống chính phủ của ông ta.
Tại Bogota, thủ đô Colombia, ông Guaido cam đoan rằng ông sẽ tuyên bố mình là tổng thống vào ngày 23-1, một nhà ngoại giao giấu tên từ một trong những quốc gia Mỹ Latinh tiết lộ. Ban đầu, một số quốc gia phản đối ông Maduro muốn "các bước" diễn ra chậm hơn vì lo phe đối lập thất bại, song dường như Mỹ cho rằng hiện tại là thời điểm thích hợp.
Trong một diễn biến khác, ngày 25-1, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez đã công bố đoạn băng hình chứng minh việc thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã đến một khách sạn ở thủ đô Caracas để gặp Chủ tịch Quốc hội lập hiến đối lập Diosdado Cabello vào buổi tối trước ngày ông này tự phong là “Tổng thống lâm thời” Venezuela.
Ông Rodriguez nhấn mạnh việc công bố đoạn băng này để vạch trần sự dối trá của thủ lĩnh phe đối lập Guaido, người trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN đã nói rằng ông không gặp gỡ bất cứ quan chức nào của chính phủ và không đưa ra quyết định dưới áp lực của các yếu tố nước ngoài.
Chi phối nguồn dầu mỏ khổng lồ
Oleg Matveychev, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp Nga, hôm 26-1 nhận định với Sputnik, từ trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và chính trị chính của Mỹ.
Chuyên gia này cho rằng cuộc chiến thương mại nổ ra năm 2018 chỉ là một phần trong chiến lược tổng thể của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một khía cạnh khác trong cuộc cạnh tranh này chính là việc Mỹ muốn tấn công các lợi ích của Trung Quốc tại các thị trường năng lượng thế giới.
|
|
Dầu mỏ là nguồn cơn cho những toan tính của Mỹ? |
Cả Venezuela và Mỹ đều đang hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ. An ninh năng lượng của Trung Quốc hiện phụ thuộc vào hai nước này cùng Iran và Nga. Để chi phối được Trung Quốc, Mỹ áp dụng nhiều biện pháp buộc Iran dừng khai thác dầu mỏ. Ông Matveychev nói Nhà Trắng ủng hộ cuộc nổi dậy để lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ giúp Washington chi phối nguồn cung khổng lồ cho Bắc Kinh tới từ Nam Mỹ.
Năm ngoái, Tổng thống Venezuela từng nói rằng Caracas sẽ tăng nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc lên 1 triệu thùng mỗi ngày, có nghĩa là định tăng gấp 3 lượng dầu xuất khẩu tới Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc và Venezuela mới đây cũng đã ký 28 thỏa thuận hợp tác, chủ yếu liên quan tới việc chế biến dầu thồ, khai thác năng lượng và khai thác mỏ. Venezuela đồng thời bán 9,9% cổ phần tại Sinovensa, liên doanh giữa hai nước, cho Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc CNPC. Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, Trung Quốc sẽ kiểm soát 49% liên doanh này.
“Tất nhiên là đó không ngoài động thái phức tạp chống lại Trung Quốc, trong đó có một số hành động trên thị trường dầu mỏ thế giới. Người Mỹ biết cách làm thế nào để thao túng dầu nhỏ nhằm tìm kiếm các lợi ích chính trị cho họ”, chuyên gia Nga nhận định.
Trước đó, chuyên gia Nga có tên Mikhail Belyat thì nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Venezuela chạm ngưỡng 50-60 tỷ USD. Phần lớn khoản này được tập trung cho chế biến và sản xuất dầu mỏ.
Nếu tình hình chính trị Venezuela diễn biến có lợi cho Mỹ, các công ty Mỹ có thể vào thị trường dầu mỏ Venezuela và đánh bật các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại đó. "Rõ ràng có một cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc kinh tế tại Mỹ Latinh", Mikhail Belyat nói.
|
|
Ông Maduro cùng công nhân ngành dầu mỏ của Venezuela. Ảnh: INT |
Hơn nữa, theo tờ Washington Post, dù quan hệ giữa Mỹ và Venezuela xấu đi từ lâu, song các nhà máy lọc dầu nằm tại vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Venezuela.
Chỉ tính riêng trong chưa đầy một tháng đầu năm 2019, Mỹ phải nhập khẩu từ Venezuela tới 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Mỹ có thể tìm kiếm nguồn cung khác, nhưng chưa thể làm vậy vì nguồn nhiên liệu thô từ Venezuela rất phù hợp với ngành sản xuất dầu diesel tại Mỹ.
Rõ ràng, với việc lật đổ chính quyền của ông Maduro, Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng này, cũng như chi phối thị trường năng lượng toàn cầu.