leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận định này được đưa ra tại hội nghị bàn tròn ngày 17/7 đánh giá về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ vừa qua tại Helsinki (Phần Lan). 

Chuyên gia Kortunov nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ có thể ngăn chặn một cuộc chiến ngoại giao... và khởi động hợp tác Nga-Mỹ ở cấp thấp hơn." 

Ông giải thích quan hệ Nga-Mỹ phát triển truyền thống từ trên xuống - theo thứ tự các tổng thống gặp nhau, đạt được thỏa thuận và sau đó "bánh răng" của các bộ máy liên quan lớn bắt đầu di chuyển, các quan chức, nhà ngoại giao, sỹ quan quân đội và tình báo sẽ tham gia. 

Theo chuyên gia trên, hợp tác song phương trước hết sẽ hướng đến việc giải quyết vấn đề Syria và giải trừ hạt nhân. Ông bày tỏ tin tưởng "sẽ sớm thấy kết quả" ở Syria, đồng thời nhấn mạnh: "Công việc sẽ bắt đầu hướng tới ổn định chiến lược. Điều này cũng liên quan đến Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF) và Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới), và có thể một số cuộc đối thoại thêm về vấn đề này." 

Theo ông Kortunov, Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki có thể được xem như kết quả tích cực, song nhiều người Mỹ lại không coi đó là một thành công, và đã chỉ trích ông Trump vì lập trường không đủ cứng rắn của ông. Chuyên gia này cho rằng một bộ phận giới cầm quyền ở Mỹ cũng sẽ tìm cách phá hoại các thỏa thuận này. Ông thừa nhận việc cải thiện quan hệ "sẽ luôn là một tiến trình khó khăn và chậm chạp."

Trong khi đó, hãng tin Sputniknews của Nga cho rằng nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ bắt tay với giới truyền thông phương Tây cố gắng khắc họa hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga là một vụ bê bối nhằm ngăn cản sự hợp tác giữa Washington và Moskva. 

Theo Sputniknews, tại cuộc gặp ở Helsinki, Tổng thống Nga đã đưa ra một loạt đề xuất mang tính xây dựng nhằm tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác về an ninh mà được người đồng cấp Mỹ Donald Trump hoan nghênh. Tuy nhiên, cả hai đảng chính trị tại Mỹ đều chỉ trích ông chủ Nhà Trắng đã không nêu ra những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với ông Putin, điều mà Nga đã nhiều lần bác bỏ. 

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định ông sẽ không coi Nga là kẻ thù của Washington, đồng thời nhấn mạnh khả năng hợp tác và chung sống hòa bình. 

Trả lời phóng vấn hãng Fox News ngày 17/7, Tổng thống Trump cho biết: "Tôi thậm chí sẽ không sử dụng từ 'kẻ thù' (dành cho Nga). Chúng tôi có thể hợp tác. Chúng tôi có thể làm rất tốt và chung sống trong hòa bình... Tôi không phải là người ủng hộ Nga hay bất cứ ai. Tôi chỉ muốn đất nước này được an toàn." Ông cũng đề cập đến quân đội hùng mạnh của Nga, song lưu ý rằng nền kinh tế này vẫn nhỏ hơn nền kinh tế Trung Quốc. 

Trước đó, trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki, ông Trump cũng tuyên bố không bao giờ coi ông Putin là địch thủ, mà miêu tả ông này là một "đối thủ tốt".

TTXVN