Ngày 13/2, nói với truyền thông, Giám đốc Vụ châu Âu I- Bộ Ngoại giao Nga, Artem Studennikov, cho biết, nước này sẽ không để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới phía bắc mà không có biện pháp đáp trả, bao gồm cả biện pháp kĩ thuật quân sự.
Nhà ngoại giao Nga cho biết, gần đây Mỹ đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước vệ tinh ở Bắc Âu và khu vực Biển Baltic, với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.
Moscow nhiều lần tuyên bố, Nga không gây ra bất kì mối đe dọa nào đối với các quốc gia nói trên.
    |
 |
Tàu chiến NATO triển khai trên Biển Baltic. Nguồn: euro-sd |
“Ngược lại, những nỗ lực của chúng tôi là nhằm mục đích thiết lập một kênh đối thoại cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau với lãnh đạo tất cả các quốc gia Bắc Âu không có ngoại lệ. Hiện nay, với tư cách là thành viên NATO, bị ràng buộc bởi kỉ luật nội khối nghiêm ngặt và mất đi phần lớn chủ quyền quốc gia, các nước Bắc Âu đang cung cấp lãnh thổ của họ để NATO và trước hết là Mỹ khai thác về quân sự.”, ông Studennikov cho biết.
“Hoàn toàn tự nhiên khi việc tăng cường hoạt động quân sự mang tính thù địch đang phát triển ngay gần biên giới chúng ta chắc chắn không thể tránh được các biện pháp đối phó hiệu quả từ phía Nga, bao gồm cả các biện pháp kĩ thuật quân sự. Quyền đưa ra các quyết định thực tế cụ thể về vấn đề này thuộc về Bộ Quốc phòng Nga.”, ông Studennikov cảnh báo.
Vào ngày 5/12/2024, Mỹ đã kí thoả thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Thụy Điển, theo đó Mỹ sẽ được tiếp cận các cơ sở quân sự tại 17 địa điểm của Thụy Điển trên khắp nước này.
    |
 |
Một cuộc tập trận Northern Coasts của NATO ở Biển Baltic. Ảnh : PO ESP-N Sánchez Oller. |
Ít ngày sau, Mỹ đã kĩ một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với Phần Lan, cho phép Mỹ tiếp cận 15 căn cứ quân sự trên lãnh thổ quốc gia Bắc Âu có đường biên giới dài với Nga phía tây bắc.
Trong một phát biểu với Sputnik mới đây, Đại sứ Nga tại Phần Lan Pavel Kuznetsov, nói, nước này có đủ ý chí và nguồn lực để giấc mơ của NATO muốn biến Biển Baltic thành “ao nhà” không trở thành hiện thực.
Ông Kuznetsov cảnh báo, những nỗ lực đi theo con đường này sẽ ẩn chứa những hậu quả khôn lường.
Phát biểu của ông Kuznetsov sau khi ngày 14/1, các nước thành viên NATO trong khu vực Baltic cho biết, liên minh này đang triển khai sứ mệnh mang tên “Baltic Sentry” (Lính gác Baltic) để tuần tra Biển Baltic và bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước trong bối cảnh một số tuyến cáp quang gần đây bị hư hại.
    |
 |
Các chiến hạm thuộc Hạm đội Baltic- Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik / Igor Zarembo. |
NATO không nêu rõ có bao nhiêu tàu thuyền và máy bay sẽ được triển khai, nhưng Bộ Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh (SHAPE) tại Mons cho biết, sứ mệnh này có tính chất không giới hạn.
Trợ lí Tổng thống Nga, ông Nikolai Patrushev, người phụ trách chính sách hàng hải quốc gia, cho biết, phương Tây đang sử dụng Thụy Điển và Phần Lan để tước quyền tiếp cận Biển Baltic của Nga, biến nơi này thành “ao nhà” của NATO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, tuyên bố, Biển Baltic sẽ không bao giờ có thể trở thành “vùng nước nội bộ” của NATO.