Mỹ đang xem xét việc mở lại Lãnh sự quán chuyên trách về Palestine ở Đông Jerusalem, hơn hai năm sau khi chính quyền nhiệm kỳ trước đóng cửa cơ quan này.
Tin nói, việc tái lập có thể được thực hiện sớm nhất vào cuối tháng 11.
|
|
Lãnh sự quán Mỹ chuyên trách Palestine tại Đông Jerusalem trước khi bị sáp nhập vào Đại sứ quán Mỹ (mới) tại Israel, ngày 4/3/2019. Ảnh: AP. |
Sputnik đánh giá, động thái này nếu diễn ra sẽ là một thành công lớn cho người Palestine, bởi đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Washington ủng hộ việc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai; mặt khác, có khả năng mở đường cho việc thành lập đại sứ quán Mỹ tại khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng, do sự phản đối mạnh mẽ từ phía Israel.
|
|
Vào ngày 14/5/2018, Mỹ đã chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv, vốn hình thành từ năm 1966, đến Jerusalem. Trong ảnh là lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Nguồn: Văn phòng báo chí Israel / Handout / AA. |
Cựu chỉ huy quân đội Israel (IDF) và là một trong những chuyên gia quân sự hàng đầu của nước này, Gershon Hacohen, cảnh báo: "Nếu Mỹ cuối cùng quyết định mở lại Lãnh sự quán, đó sẽ là một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Israel. Đồng thời là một đòn giáng đối với danh dự của chúng tôi, là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Israel và luật pháp Mỹ".
|
|
Nhiều vùng lãnh thổ của người Palestine thường xuyên hứng bom đạn và những đợt không kích tàn khốc. Ảnh: AFP. |
Theo Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem năm 1995, thành phố tranh chấp, với các phần Đông và Tây, đã được Mỹ coi là thủ đô thống nhất do Israel quản lý. Nhưng bất chấp cam kết này, Washington vẫn luôn duy trì hai sứ mệnh tại khu vực, một là Đại sứ quán ở Tel Aviv và một phái đoàn ngoại giao dành cho người Palestine, ở Đông Jerusalem.
Tuy nhiên vào năm 2018 Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô thống nhất của Israel, tiếp đó chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành phố tranh chấp.
|
|
Xung đột dai dẳng đã tàn phá Dải Gaza. Ảnh: NYT. |
Lãnh sự quán ở Đông Jerusalem sau đó được sáp nhập với Đại sứ quán, trước sự phẫn nộ của người Palestine, những người coi đó là dấu hiệu cho thấy Washington đang từ bỏ cam kết ban đầu đối với giải pháp hai nhà nước.
Nhưng quan điểm về vấn đề của Mỹ cũng đã thay đổi trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Hôm 21/9, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 76, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước; nhấn mạnh, một quốc gia Palestine có chủ quyền và dân chủ là "cách tốt nhất" để đảm bảo tương lai của nhà nước Do Thái.
|
|
Đợt giao tranh kéo dài 11 ngày vào tháng giữa tháng 5 đã khiến 260 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em và 40 phụ nữ, cùng 1.948 người khác bị thương, trong khi phía Israel có 12 người thiệt mạng. Ảnh: kctv. |
Phát biểu của ông Biden trái ngược hoàn toàn với lập trường ủng hộ Israel của người tiền nhiệm Donald Trump.
"Chúng ta phải tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh bao trùm hơn cho tất cả người dân Trung Đông.", ông Biden bày tỏ.
|
|
Hòa bình là ước mơ cháy bỏng của người dân Palestine. Ảnh: iestork. |
“Cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của Israel là không có gì phải bàn cãi và sự ủng hộ của chúng tôi đối với một quốc gia Do Thái độc lập là rõ ràng. Nhưng tôi tin rằng, giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai của Israel với tư cách là một quốc gia Do Thái dân chủ, chung sống trong hòa bình cùng với một nhà nước Palestine có chủ quyền và dân chủ.”, Tổng thống Mỹ tuyên bố, mở ngoặc, còn cả một hành trình dài mới đạt được mục tiêu đó, nhưng đó là cái đích khả dĩ nhất không bao giờ nên từ bỏ.
Sự thay đổi quan điểm của chính quyền mới hiện nay sẽ "tác động nghiêm trọng" đối với quan hệ Israel - Mỹ và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực, ông Hacohen cảnh báo.