Tôn Bạch (孙 铂), người từng giữ chức Phó Tổng giám Đốc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đã bị kết tội lạm dụng quyền lực để thu lợi bất chính và nhận hối lộ, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng tối cao của Trung Quốc thông báo hôm 17-12.
Tuy nhiên, hai nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc chia sẻ với Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng Tôn bị điều tra bị chuyển thông tin bí mật về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, có tên Liêu Ninh cho các cơ quan tình báo nước ngoài.
Tuyên bố của Ủy ban không nhắc đến đề an Liêu Ninh, chỉ nêu vắn tắt chi tiết về vụ án và cho biết công tác điều tra đã kết thúc và lãnh đạo Đảng phê chuẩn quyết định khai trừ đối với Tôn. Vụ việc bây giờ được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý.
“Là một cán bộ cấp cao đồng thời là lãnh đạo chịu trách nhiệm trong một doanh nghiệp nhà nước, Tôn Bạch đã lạm dụng quyền lực và bất trung bất tín với Đảng Cộng sản,” tuyên bố nêu rõ.
“Ông ta vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và không làm gì để sửa chữa sai lầm, thậm chí sau Đại hội Đảng lần thứ XVIII,” cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết, nhắc đến kỳ họp năm 2012 tại sự kiện chính trị này, chiến dịch chống tham nhũng được phát động. Chiến dịch đó được thúc đẩy bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, đã xử lý hơn 1,3 triệu đảng viên ở các cấp chính quyền, từ các đối tượng “mãnh hổ” đầy quyền lực cho đến “ruồi nhặng” cấp thấp.
Ông Tôn bị bắt giam vào tháng 6, cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc đưa ra tuyên bố ngắn gọn cho biết ông ta bị nghi vi phạm kỷ luật Đảng-một uyển ngữ chỉ tội tham nhũng.
CSIC đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và đóng các tàu hải quân, bao gồm tàu ngầm hạt nhân/thông thường và tàu sân bay. Doanh nghiệp này hiện đang phát triển tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc, Type 011A, tại nhà máy đóng tàu ở phía Đông Bắc thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Bản thiết kế tàu dựa trên nguyên mẫu Liêu Ninh, tàu sân bay đang hoạt động đầy đủ của Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc cho biết nhiều khả năng chính quyền sẽ không công bố thông tin chi tiết về tội lỗi của Tôn vì chúng liên quan đến “bí mật nhà nước.”
“Vụ án phức tạp và có liên quan đến nhiều bí mật quốc gia cho nên không thể công bố, vì vậy chính quyền sẽ chỉ cho biết ông ta bị bắt giữ vì tội tham nhũng,” nguồn tin cho hay.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
|
Trung Quốc mua Liêu Ninh, một tàu sân bay lớp Kuznetsov chưa hoàn thiện ban đầu được thiết kế cho Hải quân Ukraina vào năm 1998, và CSIC đã dành trọn 10 năm để tân trang lại tàu trước khi được đưa vào hoạt động. Cuộc điều tra đối với Tổng giám đốc CSIC đã có tác động rất lớn đến công ty đóng tàu, theo nguồn tin thứ 3 có quen biết với doanh nghiệp.
“Toàn bộ tàu Type 001A được thiết kế và xây dựng dựa trên thiết kế ban đầu và kinh nghiệm tân trang của Liêu Ninh. Tất cả các cán bộ tại CSIC không nói gì về Tôn, do đó các bạn có thể tưởng tượng vụ án nhạy cảm như thế nào,” nguồn tin nói với các phóng viên Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Hiện chưa rõ mức độ thông tin bí mật về tàu sân bay Liêu Ninh mà Tôn chuyển giao cho gián điệp nước ngoài, nhưng các nguồn tin cho biết ông ta có thể phải đối mặt với án tử hình” hoặc ít nhất “tử hình treo”.
Một trong những nguồn tin thân cận với đề án tiết lộ: “Mức án tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thông tin mà Tôn chuyển cho tình báo nước ngoài. Nếu mức độ nhạy cảm cao, thì án tử hình đang đợi ông ta. Tôn không chỉ là phó bí thư CSIC do nhà nước quản lý mà còn là lãnh đạo có kiến thức sâu rộng về ngành công nghiệp đóng tàu. Ông ta chịu trách nhiệm cho các đề án đóng tàu sân bay trong hơn một thập niên qua,” nguồn tin Hải quân Trung Quốc tiết lộ với Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
“Tôn có thể phải đối mặt với án tử hình bởi vì ông ta là lãnh đạo nòng cốt chịu trách nhiệm thực hiện cải tiến đề án tàu Liêu Ninh,” nguồn tin cho biết thêm.
Type 001A vẫn đang trong quá trình thử nghiệm trên biển, và các chuyên gia quân sự hy vọng nó sẽ được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc trước tháng 10-2019, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong tuyên bố, cơ quan chống tham nhũng cũng xác định Tôn bất trung với Đảng, tham gia vào các “hoạt động mê tín dị đoan” và từ chối hợp tác với cơ quan điều tra. Tôn đã tham gia một buổi lễ hạ thủy tàu sân bay mới vào tháng 4 năm ngoái, và công chúng nhìn thấy ông ta lần cuối cùng vào ngày 11-6, khi ông ta đến thăm một trong những công ty, theo Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh.
Tôn Bạch, 57 tuổi, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Đại Liên, lên làm lãnh đạo Đảng tại CSIC vào năm 2009, và từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Đại Liên. Ông ta được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc vào năm 2015, dưới quyền Hồ Vấn Minh (胡 问 鸣) là Chủ tịch.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành đóng tàu Trung Quốc gặp rắc rối. Vào năm 2016, Lưu Trường Hồng, Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật CSIC bị cơ quan chống tham nhũng tối cao điều tra. Ông ta bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, và sẽ bị xét xử tội nhận hối lộ.
Phạm Trúc