Máy bay chiến đấu MiG-17, có tên gọi đầy đủ là Mikoyan-Gurevich MiG-17 (tên ký hiệu của NATO là Fresco), là một trong những máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất và cũng có vai trò lớn nhất trong không quân Liên Xô và nhiều nước từ những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỉ trước.
|
|
Một chiếc MiG-17 huyền thoại được trưng bày tại Hà Nội. |
Theo tài liệu lịch sử, chiếc MiG-17 đầu tiên được sản xuất từ năm 1950, song dàn tiêm kích MiG-17 đại trà bắt đầu được sản xuất từ năm 1953. Khoảng hơn 10.000 chiếc loại này đã xuất xưởng và phục vụ trong quân đội nhiều nước. Đặc biệt, MiG-17 là một trong những tiêm kích đánh chặn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam chống lại các máy bay ném bom của Mỹ trong thời kì kháng chiến ác liệt.
Chiếc máy bay được xem là bản nâng cấp sâu của dòng MiG-15, với thiết kế cánh ưu việt hơn và động cơ VK-1, giúp chiếc máy bay đạt vận tốc tối đa gần 1150km/h.
Trải qua nhiều lần cải tiến, MiG-17 có nhiệm vụ chủ yếu là tham gia các cuộc không chiến. Dù có thể mang theo bom cho các đợt không kích, nhưng trọng lượng vũ khí mà MiG-17 mang theo khá nhỏ so với đối thủ cùng thời.
|
|
Bức ảnh tái hiện khoảnh khắc chiếc MiG-17 bay xuyên gầm cầu. Ảnh: War History. |
Trong số các biến thể MiG-17, phiên bản MiG-17PF được cho là có tốc độ và khả năng bám bắt mục tiêu tốt hơn cả nhờ bộ phận tái đốt nhiên liệu và radar hiện đại. Mẫu MiG-17PF cũng là tiêm kích đầu tiên được hoán cải thành MiG-17PM với 4 tên lửa không đối không K-5.
Một số lượng nhỏ máy bay MiG-17R trinh sát được chế tạo trang bị động cơ VK-1F với trọng lượng được giảm nhẹ để phục vụ việc do thám và trinh sát. Tuy vậy, các biến thể này thường chỉ hoạt động trong Không quân Liên Xô.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các máy bay MiG-17 đã giúp bảo vệ bầu trời của rất nhiều nước có quan hệ gần cận với Liên Xô. Trong giai đoạn này, thế giới cũng từng chứng kiến nhiều pha biểu diễn khó tin của các phi công chiến đấu của cả Mỹ và Liên Xô nhằm thể hiện kỹ năng vượt trội so với đối thủ, trong đó có cú bay xuyên gầm cầu của chiếc tiêm kích MiG-17 vào ngày 4/6/1965 tại thành phố Novosibirsk.
|
|
Cán bộ kỹ thuật đón mừng phi công Nguyễn Văn Bảy trờ về sau một chiến thắng.Ảnh: TTXVN |
Tại Việt Nam, MiG-17 chính là máy bay chiến đấu đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng, được Liên Xô bàn giao từ những năm 1965, lập lên nhiều chiến công sáng chói trong lịch sử chống Đế quốc Mỹ.
Do có mục đích chính là săn đuổi máy bay ném bom vận tốc thấp, việc Mỹ liên tục đưa vào biên chế các loại máy bay ném bom có tốc độ siêu âm khiến nhiều người lo ngại vai trò của MiG-17 bị lu mờ. Tuy thế, những chiếc MiG-17 được trang bị cho Việt Nam lại gây bất ngờ lớn.
Với khả năng bẻ ngoặt còn nhỉnh hơn cả MiG-21, những chiếc MiG-17 đã làm người Mỹ chấn động khi trong trận đánh ngày 3/4/1965 phi công MiG-17 Phạm Ngọc Lan đã bắn rơi tiêm kích siêu âm F-8 của Hải quân Mỹ.
|
|
Các phi công MiG-17 của Trung đoàn 923 Yên Thế anh hùng cười tươi bên những "con chim sắt" MiG. Từ trái sang phải: Lưu Huy Chao, Lê Hải, Mai Đức Toại, Hoàng Văn Kỳ.Ảnh: TTXVN |
Tiếp nối chiến công, trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ, MiG-17 cùng những phi công huyền thoại của Việt Nam bắn hạ cả máy bay tiêm kích bom F-105 vốn nổi trội hơn nó rất nhiều. Theo thống kê từ năm 1965 đến 1972 những chiếc MiG-17 đã bắn rơi 11 chiếc F-8, 16 chiếc F-105, 32 chiếc F-4, 2 chiếc A-4, 7 chiếc A-1, 1 chiếc C-47, và cả trực thăng lẫn máy bay không người lái.
Đối với Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (Bảy A), MiG-17 đã cùng ông xuất kích 94 lần, trực tiếp quần thảo với máy bay Mỹ 13 lần. Ông cùng chiếc MiG-17 huyền thoại bắn rơi 5 máy bay F-4 và 2 chiếc F-105.
Đây quả là con số đáng ngưỡng mộ cho một chiếc tiêm kích chỉ trang bị có 3 khẩu pháo làm vũ khí chính. So với các máy bay thế hệ mới của Mỹ thì MiG-17 thua kém về tất cả mọi mặt, từ tầm bay, trần bay, vận tốc, khả năng trang bị vũ khí, cho tới radar điều khiển hỏa lực. Những thành tích đó đã cho thấy sự quả cảm cùng mưu trí của những phi công MiG-17 Việt Nam.