"Sự xuất hiện của các lực lượng vũ trang Kosovo gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực, gây ra nguy cơ tái diễn cuộc xung đột vũ trang", Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya tuyên bố, TASS ngày 18-12 đưa tin.
Kosovo ngày 14-12 chính thức thành lập lược lượng quân đội riêng, sau một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Kosovo, nhằm khẳng định chủ quyền, với sự ủng hộ của Mỹ. Trong khi đó, các nước châu Âu không thể ra một tuyên bố cụ thể về vấn đề này, khiến người Nga thêm tức giận.
"Phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với quyết định cuối cùng của Pristina không thể được gọi bằng bất cứ điều gì khác ngoài từ "bất lực". Đây là một chính sách vô trách nhiệm và hai mặt, đã vượt qua giới hạn nguy hiểm", ông Nebenzya nói thêm.
Kể từ khi tách khỏi Serbia trong Chiến tranh Kosovo 1998-1999, an ninh của Kosovo được bảo vệ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, được uỷ quyền cho một lực lượng thuộc Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo tinh thần Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Bất chấp phản đối của Nga, Trung Quốc và Serbia, Kosovo vào năm 2008 tuyên bố độc lập cách, được Mỹ và các nước phương Tây công nhận, song chưa được gia nhập LHQ. Theo ông Nebenzya, quyết định thành lập quân đội chính thức của Kosovo là một sự vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1244.
Theo kế hoạch được Kosovo thông qua, trong vòng một thập niên tới, quân đội Kosovo sẽ có 5.000 binh sĩ, 3.000 lính dự bị với ngân sách hơn 100 triệu USD.
Serbia ngày 15-12 đã chỉ trích Kosovo có động thái “đe dọa hòa bình và ổn định” ở vùng Balkan, đồng thời doạ phản ứng bằng một cuộc can thiệp quân sự. "Đó là một lựa chọn đang được cân nhắc", Thủ tướng Serbia Ana Brnabic tuyên bố.