Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) đã được phóng thành công từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana, Pháp lúc 12h20’, ngày 25/12, giờ UTC (19h20’ giờ Việt Nam) bởi phương tiện phóng Ariane 5.

Sau khi tách khỏi tên lửa, trong vòng 29 ngày, Đài quan sát sẽ dần bung ra trong không gian để định hình hình dạng. 

JWST bao gồm một gương hội tụ chính có đường kính tới 6,5m. Để xếp gọn trong phương tiện phóng, gương này được thiết kế dạng gấp, gồm 18 tấm gương nhỏ hình lục giác mạ vàng, mỗi tấm rộng 1,3m.

leftcenterrightdel
Kính viễn vọng không gian James Webb là sản phẩm hợp tác đa quốc gia khởi động từ năm 1996. Nguồn: NASA. 

Đường kính khổng lồ cho phép gương thu nhận nhiều ánh sáng và chi tiết hơn từ các vật thể mà nó quan sát được. 

Đây là kính viễn vọng không gian hồng ngoại phức tạp và mạnh nhất từng được thiết kế, chế tạo trong một dự án khởi động 25 năm trước, vào năm 1996.

JWST là dự án hợp tác giữa Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Cơ quan Không gian Canada (CSA). Hàng ngàn kỹ sư và hàng trăm nhà khoa học cùng với hơn 300 trường đại học, tổ chức và công ty từ 29 bang của Mỹ và 14 quốc gia khác đã làm việc trong hàng chục triệu giờ để biến Webb thành hiện thực, theo NASA.

leftcenterrightdel
Kính thiên văn bao gồm gương hội tụ chính dạng gấp, kết nối 18 gương nhỏ mạ vàng hình lục giác rộng 1,3m. Ảnh: NASA.

Quá trình triển khai, dự án đã bị trì hoãn nhiều năm do đại dịch và những thách thức kỹ thuật.
Chi phí của Đài quan sát không gian được nói đã vượt quá 10 tỉ đô la.

NASA nhấn mạnh, đây là một trong những sứ mệnh thách thức nhất mà cơ quan này từng đảm nhận.

JWST được cho có sức mạnh gấp hàng trăm lần kính viễn vọng Hubble. Nó sẽ được định vị trên quỹ đạo cách Trái đất 1,5 triệu km.

leftcenterrightdel
Kính viễn vọng Webb được phóng từ Guiana thuộc Pháp vào ngày 25/12. Nguồn: NASA. 

Kính viễn vọng Webb sẽ xem xét mọi giai đoạn của lịch sử vũ trụ, bao gồm cả vụ nổ lớn tạo ra vũ trụ; quan sát những thiên thể ở xa nhất trong vũ trụ, gồm những thiên thể tối, nhỏ và mờ nhạt vốn vượt quá phạm vi khả năng nghiên cứu của các thiết bị mặt đất và kính viễn vọng không gian hiện tại, giải mã sự hình thành của các thiên hà, các ngôi sao đầu tiên.

Khả năng của nó sẽ cho phép đài quan sát trả lời các câu hỏi về hệ Mặt trời và tìm hiểu các tín hiệu mờ nhạt từ các thiên hà đầu tiên được hình thành cách đây 13,5 tỉ năm.

leftcenterrightdel
JWST nằm trên quỹ đạo cách Trái đất 1,5 triệu km. Nguồn: NASA. 

Để thực hiện sứ mệnh, JWST sẽ chụp ảnh các đám mây phân tử và các cụm mây hình thành sao, nghiên cứu các đĩa khí bụi bao quanh các sao trẻ, chụp ảnh các hành tinh, và ghi lại phổ của bầu khí quyển các hành tinh đi ngang qua ngôi sao mẹ.

Ngoài ra, JWST sẽ nhìn vào bầu khí quyển của các ngoại hành tinh, nơi có khả năng ẩn chứa những hành tinh có khả năng sinh sống được nhằm tìm kiếm manh mối sự sống ngoài Trái đất.

Để bảo vệ trước sức nóng của Mặt trời cũng như bức xạ của Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng, các tấm chắn lớn sẽ giữ cho gương và các thiết bị khoa học luôn ở nhiệt độ dưới −220 °C.

Dự kiến, dữ liệu khoa học đầu tiên từ JWST sẽ được cung cấp sau 6 tháng kể từ khi nó chính thức vận hành.

Văn Phong/NASA, RIA, CNN