Ít nhất 102 người di cư đã chết sau khi chiếc thuyền gỗ của họ bị lật ở khu vực trung Địa Trung Hải ngoài khơi Libya hôm 17/12. Tám người khác đã được cứu và đưa vào bờ an toàn, phát ngôn viên của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Safa Msehli cho biết hôm 21/12.

Chỉ một ngày sau, vào 18/12, một vụ đắm tàu di cư khác cũng đã xảy ra tại vùng biển này. Lực lượng tuần duyên Libya đã vớt được ít nhất 62 thi thể, bà Msehli cho biết. Cùng ngày, lực lượng tuần duyên Libya đã chặn giữ một chiếc thuyền gỗ thứ ba với ít nhất 210 người di cư trên tàu.

leftcenterrightdel
Những người di cư được giải cứu trên một tàu tuần duyên của Libya. Ảnh: Mahmud Turkia / AFP. 

Vụ tai nạn là thảm kịch mới nhất trên Biển Địa Trung Hải liên quan đến những người di cư đang cố tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.

Trong năm qua, gần 1.500 người di cư đã chết đuối trên tuyến đường biển này.

Những tháng gần đây số người vượt biên từ Libya gia tăng đột biến, trong khi các nhà chức trách Tripoli cũng đẩy mạnh chiến dịch trấn áp người di cư.

leftcenterrightdel
Người di cư từ Trung Đông và châu Phi mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền nhỏ ọp ẹp trong nỗ lực tìm cuộc sống mới ở châu Âu. Ảnh: GM.  

Theo IOM, khoảng 31.500 người di cư đã bị chặn giữ và đưa trở lại Libya vào năm 2021, so với con số gần 11.900 người vào năm trước. 

Chỉ trong 1 tuần, từ 12-18/12, 466 người di cư đã được phát hiện, giải cứu trên biển và đưa trở lại Libya, theo IOM.

leftcenterrightdel
Người di cư bị nhồi nhét trên những chiếc thuyền gỗ ọp ẹp không bảo đảm an toàn. Ảnh: TORM A/S.

Libya đang trở thành một điểm trung chuyển chính cho những người trốn chạy khỏi đất nước do chiến tranh và đói nghèo ở châu Phi và Trung Đông. Đất nước giàu dầu mỏ này rơi vào hỗn loạn sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ và giết chết nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi vào năm 2011.

leftcenterrightdel
Trong năm qua, gần 1.500 người di cư đã chết đuối trên tuyến đường di cư trên biển Địa Trung Hải. Nguồn: Safa Msehli/Twitter.

Những kẻ buôn người đã tận dụng cơ hội để thu lợi, nhồi nhét những người tuyệt vọng vào những chiếc thuyền bơm hơi không được trang bị bảo hộ đầy đủ, thực hiện những chuyến vượt biển mạo hiểm cắt qua Biển Địa Trung Hải đến châu Âu.

Ngày 21/12, IOM kêu gọi cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan cần phải có hành động lập tức để tăng cường các lựa chọn di cư an toàn cũng như truy tố những kẻ buôn người và cải thiện năng lực cứu hộ cứu nạn để giảm bớt thiệt hại về nhân mạng.

Văn Phong/Anja, Safa Msehli, IOM