Khoảng 100 dân thường đã được sơ tán khỏi nhà máy thép bị bao vây ở thành phố Mariupol, miền đông Ukraine, sau khi LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) làm trung gian để đưa những người không tham gia chiến đấu rời khỏi địa điểm bị bao vây tàn khốc nhất trong cuộc chiến ở Ukraine.

Dưới sự bảo trợ của LHQ và ICRC, hơn 70 xe buýt đã có mặt tại nhà máy để sơ tán người dân.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, hoạt động sơ tán bắt đầu từ ngày 30/4, sau khi chế độ ngừng bắn và hành lang nhân đạo được thiêt lập.

Hôm 1/5, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, xác nhận trên twitter, cho biết, một nhóm 100 người sơ tán đầu tiên sẽ đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát. Ukraine đang làm việc với LHQ để tiếp tục sơ tán các nhóm dân thường khác khỏi nhà máy thép Azovstal.

leftcenterrightdel
Hoạt động sơ tán bắt đầu từ ngày 30/4 dưới sự bảo trợ của LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters.

Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận, những người muốn rời đến các khu vực do Kyiv kiểm soát đã được giao cho đại diện của LHQ và ICRC.

Người phát ngôn LHQ, Saviano Abreu, không đưa ra các thông tin chi tiết về hoạt động sơ tán vì lí do an ninh, tuy nhiên cho biết, các hoạt động sơ tán đầu tiên diễn ra an toàn với sự phối hợp của ICRC và các bên xung đột.

Zaporizhzhia, một thành phố cách Mariupol 150 km về phía tây bắc là điểm đến của những người được sơ tán, ông Abreu cho biết, lưu ý, quá trình sơ tán, phụ nữ, trẻ em và người già, những người đã bị mắc kẹt trong gần hai tháng, sẽ được hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức, bao gồm cả các dịch vụ tâm lí.

leftcenterrightdel
Một góc Nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, miền đông Ukraine. Ảnh: Petr Kovalev / TASS.

Hôm 1/5, một nhóm chuyên gia y tế thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã có mặt tại một trung tâm tiếp nhận người sơ tán.

Có tới 100.000 người được cho là vẫn đang ở trong thành phố Mariupol bị phong tỏa, trong đó có tới 1.000 dân thường và khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine ẩn náu bên dưới nhà máy thép, một mê cung gồm các boong ke và đường hầm được xây dựng từ thời Liên Xô để chống lại các cuộc tấn công, hiện là phần duy nhất của thành phố không bị các lực lượng Nga chiếm đóng.

Hôm 1/5, chỉ huy lữ đoàn vệ binh quốc gia số 12 của Ukraine, Denys Shleha, tiết lộ với truyền thông, hàng trăm dân thường, bao gồm khoảng 20 trẻ em, vẫn đang trú ẩn bên trong các boong ke.

leftcenterrightdel
Trong số các nhóm dân thường sơ tán có một số trẻ em. Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters.

Trong một bài đăng trên Telegram hôm 1/5, Hội đồng thành phố Mariupol, Ukraine nói, việc sơ tán dân thường từ các khu vực khác của thành phố đã tạm hoãn và sẽ tiến hành trở lại vào sáng 2/5, vì lo ngại về an ninh.

Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak đề xuất, các cuộc sơ tán có thể tiến xa hơn việc chỉ giải phóng dân thường mắc kẹt trong các công trình thép.

“Đây chỉ là bước đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa dân thường và binh sĩ của mình ra khỏi Mariupol.” ông Yermak viết trên Telegram.

leftcenterrightdel
Hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies cung cấp cho thấy tình trạng khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol hôm 30/4. Nguồn: Maxar Technologies / AP. 

Các lực lượng Nga đã tấn công thành phố cảng Mariupol miền đông Ukraine trong gần hai tháng, biến nó thành một đô thị chết với số người thiệt mạng không xác định và hàng nghìn người đang cố gắng sống sót trong điều kiện thiếu nước, thực phẩm và vệ sinh,..

Nhiều nỗ lực trước đây nhằm thu xếp một lệnh ngừng bắn để cho phép người dân rời khỏi thành phố đã đổ vỡ. Hoạt động sơ tán chỉ được triển khai sau chuyến thăm của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tới Moscow ngày 26/4.

Hôm 1/5, phát biểu trước hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, đức Giáo hoàng Francis khẩn thiết kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo  Mariupol để cho phép người dân rời khỏi thành phố đang bị bao vây.

leftcenterrightdel
Người sơ tán di chuyển bằng xe buýt tới Zaporizhzhia, Ukraine, một thành phố cách Mariupol 150 km về phía tây bắc. Ảnh: Reuters. 

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất của Maxar Technologies, Mỹ, được chụp vào ngày 30/4, cho thấy, gần như tất cả các tòa nhà tại nhà máy thép đã bị phá hủy. 

Liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine, hôm 1/5, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov  cho biết, Lực lượng hàng không vũ trụ nước này đã phá hủy 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và 2 kho đạn- nhiên liệu của Ukraine ở Zaporozhye và Artemovsk.

Các Lực lượng vũ trang Nga cũng đã sử dụng tên lửa có độ chính xác cao Onyx, phá hủy một kho chứa vũ khí và đạn dược tiếp nhận từ Mỹ và các nước châu Âu ở Odessa, đồng thời phá hủy đường băng của một sân bay quân sự tại đây. 

leftcenterrightdel
Hôm 30/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, cam kết sát cánh với Kyiv cho đến khi kết thúc cuộc chiến. Nguồn: Globeecho.

Trong khi ngày 2/5, Thống đốc Gladkov của tỉnh Belgorod, Nga gần biên giới với Ukraine thông báo, có hai tiếng nổ rất mạnh lúc rạng sáng.

Trước đó hôm 1/5, cầu đường sắt Sudzha-Sosnovy Bor sử dụng cho tàu chở hàng ở tỉnh Kursk, Nga đã sập sau khi trúng đạn.

Cùng ngày tại khu vực giáp ranh các huyện Borisovsky, Belgorodsky và quận nội thành Yakovlevsky ở tỉnh Belgorod đã xảy ra hỏa hoạn bên trong một cơ sở trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Bảy ngôi nhà đã bị hư hại và một người bị thương.

Trong một diễn biến khác, hôm 30/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine. Tại đây bà Nancy Pelosi tuyên bố Washington sẽ sát cánh với Kyiv cho đến khi cuộc chiến kết thúc.

Văn Phong (theo truyền thông Nga, Alja)