Hệ thống phòng thủ tên lửa bí mật của Liên Xô và Nga!

Phức hợp A-235 Nudol - một trong những chương trình phát triển vũ khí bí mật nhất của hệ thống phòng thủ Liên Xô (và sau này là Nga) nhằm thay thế hệ thống A-135 “Amur” trực chiến từ năm 1995, vốn là hạt nhân bảo vệ Moskva và các cơ sở trọng yếu của Nga.

Theo một số nguồn mở, thiết kế dự thảo đầu tiên của hệ thống A-235 có lẽ đã được bảo vệ khoảng năm 1985 -1986. Chính phủ Liên Xô đã ký hợp đồng nhà nước số 406/1591 ngày 31/1/1991 với NIIRP để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa, mở rộng khả năng chiến đấu của hệ thống A-135 Amur nhằm tăng cường phòng thủ thủ đô, các cở công nghiệp quan trọng, khu vực biên giới xa xôi; cũng như tăng khả năng cơ động của tên lửa và trang bị tên lửa mới cho đơn vị chiến đấu.

Các cuộc thử nghiệm của A-235 đã được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2013. Theo báo cáo nước ngoài, vào ngày 18/11/2015, lần phóng thành công đầu tiên của tên lửa Nudol và là lần phóng thứ ba trong chương trình thử tên lửa đã diễn ra. 

Vào tháng 5/2016, các yếu tố hệ thống đã được thử nghiệm như một phần trong cuộc tập trận của Lực lượng Không gian Quân sự Liên bang Nga.

Vào ngày 4/6/2019, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng một đoạn video cho thấy, việc đánh chặn thành công mục tiêu trong một chương trình thử nghiệm hệ thống tên lửa chống đạn đạo mới, dưới dạng tên lửa đất đối không tầm xa đã được xác nhận. 

leftcenterrightdel
Hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất A-235 Nudol của Nga. Nguồn: Sputnik. 

Mặc dù bản chất của hệ thống phòng không thử nghiệm không được đề cập, nhưng nó đã được suy đoán rộng rãi là một thử nghiệm của hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-500 Prometheus được đưa vào sản xuất sớm vào đầu năm. Giả thiết, đó cũng có thể là thử nghiệm của hệ thống tên lửa chống đạn đạo A-235 mà các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành từ năm 2014. 

Đối phó với vũ khí không gian của Mỹ và Châu Âu?

Viktor Murakhovsky, chuyên gia vũ khí Nga, Tổng biên tập Tạp chí Kho vũ khí Tổ quốc, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, cho biết, Nga không định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa bao phủ cả nước.

A-235 là hệ thống bảo vệ Moskva và các khu công nghiệp trung tâm trước các cuộc tấn công ICBM, tên lửa tầm trung và các mối đe dọa từ trên không khác. Ngoài ra, A-235 có khả năng đánh chặn, tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo thấp.

Điều này rất phù hợp với Nga trong bối cảnh Mỹ có ý định triển khai vũ khí  trên không gian vũ trụ. Nudol đáp trả lại mối đe dọa như vậy. Ngoài ra, phải tính đến khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ. Bệ phóng di động của tổ hợp A-235 có thể nhanh chóng cơ động thay đổi vị trí, rời khỏi khu vực bị tấn công, - ông Viktor Viktor Murakhovsky nhấn mạnh.

Hai điểm khác biệt chính là A-235 sẽ sử dụng tên lửa đầu đạn thông thường và nó sẽ là thiết bị di động. 

Cuối năm 2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thành lập Lực lượng Không gian, nhấn mạnh Bộ Tư lệnh Vũ trụ Hoa Kỳ sẽ phát triển cả khả năng phòng thủ và tấn công. Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ  sắp tới sẽ bắt đầu triển khai theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo trong không gian, như vũ khí để chống lại ICBM Sarmat mới nhất của Nga và đầu đạn siêu âm Avangard.

Khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu” đề cập đến việc tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương bằng các phương tiện phi hạt nhân - tên lửa siêu thanh từ biển, từ trên không và không gian vũ trụ  - trong vòng một giờ sau khi nhận được lệnh. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố ý định công nhận không gian vũ trụ là một lĩnh vực hoạt động mới của liên minh.

Do đó Nga có nghĩa vụ phải đi trước các đối thủ. Tổ hợp A-235 là một ví dụ về cách tiếp cận như vậy.

A-235 mạnh cỡ nào?

Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 sẽ sử dụng radar Don-2N và radar tầm xa Don 2NP/5N20P, được quản lý bởi hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M, có thể phát hiện và xây dựng quỹ đạo của một vật thể không gian cỡ quả cam ở khoảng cách 2.000 km.

Tổ hợp này có thể được trang bị nhiều loại tên lửa cùng một lúc, bao gồm 51T6 tầm bắn lên tới 1.500 km và trần bay trên 7500 km, 58R6 diệt được mục tiêu ở tầm xa 1.000 km và độ cao 120 km,  53T6M- biến thể của tên lửa 53T6, vốn mang đầu đạn hạt nhân công suất 10kt và đạt tốc độ tới Mach 17, đánh chặn đối phương ở khoảng cách 350 km và độ cao 40 - 50 km.

Với khả năng này, tên lửa sẽ có thể đối phó không chỉ với tên lửa liên lục địa ICBM, mà còn với các vật thể trong không gian gần. 

Tốc độ tên lửa đánh chặn tổ hợp A-235 đạt 10 Mach (khoảng 12.370 km/h), theo Sputnik.

leftcenterrightdel
Clip thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol. Nguồn: Youtube/Sputnik.

Tính năng chính của tên lửa mới là khả năng đánh chặn bằng "động năng", tiêu diệt các mục tiêu tấn công bằng một đòn va đập vào chúng với tốc độ cực nhanh. Không cần đến thuốc nổ, chất cháy hay đặc biệt là đầu đạn hạt nhân. Một sự khác biệt quan trọng khác của hệ thống phòng thủ tên lửa mới đầy hứa hẹn là tính cơ động của các bệ phóng.

Theo Đại tá Ildar Tagiyev, người đứng đầu Bộ phận thuật toán chiến đấu và kết nối phần mềm của binh chủng Phòng không, số lượng các vụ phóng tên lửa tại Sary-Shagan trong những năm tới sẽ tăng lên nhiều lần.

Nói về các phương tiện đánh chặn hiện nay đang được sử dụng, Tagiyev lưu ý rằng không có sản phẩm tương tự trên thế giới.

Huy Anh