Dẫn một báo cáo, tờ Liberty Times cho biết Lin Xi - cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Huawei tại Bắc Phi - đã lập ra một nhóm trên WeChat để đấu tranh cho quyền lợi của một số đồng nghiệp cũ bị Huawei sa thải hoặc không được ký gia hạn hợp đồng.
Lin Xi tiết lộ rằng hai nhân viên Huawei từng lên tiếng trên nhóm WeChat về chính sách phân biệt tuổi tác, hành vi trốn thuế của Huawei cũng như những hợp đồng kinh doanh với Iran trên nhóm WeChat, "đã biến mất" sau khi họ đồng ý công khai với truyền thông về những việc làm sai trái của công ty.
Lin cũng cho hay điện thoại di động của cả hai nhân viên Huawai nói trên đều trong tình tạng tắt máy, ngoài ra họ cũng không trả lời tin nhắn trên WeChat.
Hôm 21/12, Lin đã liên lạc được với vợ của một trong hai nhân viên Huawei nói trên và được biết rằng chồng chị bị "bắt giam" ở Thâm Quyến. Với người còn lại, Lin không nắm được thông tin gì.
Hiện công ty Huawei chưa đưa ra phản hồi nào trước những thông tin nói trên.
Huawei là công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc và thế giới. Tên tuổi của công ty này càng trở nên nổi tiếng hơn sau vụ giới chức Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm CFO (giám đốc tài chính) của Huawei theo đề nghị từ Bộ Tư pháp Mỹ.
|
|
CFO của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị nhân viên an ninh Canada đi kèm sau khi được tòa cho bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử. Ảnh: AFP |
Bà Mạnh Vãn Chu là con gái của ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập tập đoàn Huawei. Việc Huawei có nền tảng từ Trung Quốc và mở rộng thị trường ra toàn cầu khiến nhiều nước phương Tây lo ngại về nguy cơ an ninh quốc gia khi ký kết các hợp đồng với Huawei, cũng như khả năng Huawei sẵn sàng xuất khẩu công nghệ sang các nước đang chịu trừng phạt.
Trong những năm gần đây, Huawei được cho là vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và Iran khi cung cấp cho 2 nước này các thiết bị viễn thông có thể được dùng để theo dõi người dân hoặc sử dụng cho cả 2 mục đích quân sự và dân sự.
Tuy vậy, phần lớn sự lo ngại của các nước đều tập trung vào tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Huawei trong lĩnh vực thông tin liên lạc toàn cầu trong những năm tới. Tập đoàn Trung Quốc dự kiến cung cấp nền tảng công nghệ cho mạng không dây 5G trên toàn thế giới.
Trước khi công nghệ 5G được ứng dụng, một số nước đã cảnh báo về việc sử dụng các thiết bị của Trung Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh. Có ý kiến cho rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng các sản phẩm của Huawei để giám sát người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Huawei đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc có liên quan tới hoạt động thu thập thông tin tình báo của chính phủ Trung Quốc.
Hiện nay một số quốc gia đã chính thức cấm hoặc đang cân nhắc dừng sử dụng các thiết bị 5G của Huawei vì nhiều lý do, trong đó có Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Đức, New Zealand, Canada...