Sét đánh có điều khiển

Tài liệu giải mật nói, một nhà khoa học khí tượng tên tuổi được giữ bí mật cho tới tận bây giờ, đã đề xuất với CIA khái niệm về sét có điều khiển. Dự án liên quan đến việc sử dụng "đầu dẫn nhân tạo" (artificial leader) làm bằng dây kim loại siêu mỏng để "gây phóng điện ở địa điểm và thời gian theo ý muốn".

Đầu dẫn nhân tạo là những dây được ion hóa, có đường kính bằng một vài phần nghìn của một inch và dài hàng dặm, được đưa tới tâm chấn của cơn bão bằng máy bay hoặc tên lửa.

Sau đó, cuộn dây được thả xuống bằng dù và dẫn các tia sét đến mục tiêu. Cần đảm bảo phóng điện với điện áp khoảng 300 triệu vôn để phá hủy mục tiêu mà không tạo sự nghi ngờ từ phía các đơn vị đặc nhiệm của đối phương.

leftcenterrightdel
Sét có điều khiển tạo ra phóng điện với điện áp khoảng 300 triệu vôn để phá hủy mục tiêu. Ảnh: Vasin Lee/shutterstock.

"Kế hoạch này dường như không quá xa vời vào năm 1967. Không quân Hoa Kỳ đã tham gia vào Chiến dịch Popeye nhằm thay đổi thời tiết ở Việt Nam, tăng lượng mưa và làm ngập đường mòn Hồ Chí Minh được sử dụng để tiếp tế, tuy nhiên chiến dịch này sau đó thất bại.", Sputnik dẫn bài viết của nhà báo Forbes, David Hambling.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là làm thế nào để đưa những sợi dây thu hút sét chính xác đến mục tiêu, vì xác suất đánh trúng mục tiêu là 1:500.000. CIA sau đó đã từ bỏ dự án viễn tưởng này.

Chiến dịch Popeye “gieo hạt trên đám mây”

Ngày 20/3/1967, Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu Chiến dịch Popeye, một chương trình “gieo hạt trên đám mây”, theo Worldhistoryproject.

Dự án Popeye là một thử nghiệm trong việc gia tăng lượng mưa thông qua tạo hạt mây được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đồng phê duyệt.

Các khía cạnh kĩ thuật của thí nghiệm đã được xác nhận bởi Tiến sĩ Donald F. Hornig, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ về Khoa học và Công nghệ. 

Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ, biết rằng, có thể có những phản đối từ cộng đồng khoa học quốc tế. Nhưng trong một bản ghi nhớ gửi Tổng thống nói, những phản đối như vậy trước đây không phải là cơ sở để ngăn chặn các hoạt động quân sự được coi là vì lợi ích của an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

leftcenterrightdel
Chương trình “gieo hạt trên đám mây” bằng máy bay để gây mưa nhân tạo. Nguồn: DooFi - Own work, Public Domain.

Chương trình tuyệt mật đã cố gắng kéo dài mùa gió mùa trên các khu vực cụ thể của đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp quân sự của miền Bắc Việt Nam bằng cách làm lầy mặt đường và gây lở đất.

Một báo cáo có tiêu đề Rainmaking in SEASIA phác thảo việc sử dụng iốt chì và iốt bạc được triển khai bằng máy bay trong một chương trình nghiên cứu bão được gọi là Dự án Stormfury.

Trong tháng 10/1966, Dự án Popeye đã được thử nghiệm tại một dải đất của Lào ở phía đông Cao nguyên Bolovens trong thung lũng sông Se Kong. Chính phủ Lào không được thông báo về dự án, các phương pháp hoặc mục tiêu của nó. Cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi các nhân viên từ Trạm Thử nghiệm Vũ khí Hải quân ở California, Hoa Kỳ. 

Ba máy bay C-130 Hercules thuộc Phi đội Trinh sát Thời tiết 54 và 2 máy bay F-4C Phantom đóng tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan Udon Thani ở Thái Lan bay 2 phi vụ mỗi ngày. 

Khu vực hoạt động ban đầu là đông Lào, từ đầu tháng 7/1967, mở rộng ra phía bắc đến xung quanh khu vực vĩ tuyến 20, bao gồm cả Tây Bắc Việt Nam, rồi Thung lũng A Shau ở miền Nam Việt Nam. 

Năm 1972, phần lớn đông bắc Campuchia được thêm vào khu vực hoạt động. Tất cả các hoạt động tạo mưa chấm dứt vào ngày 5/7/1972.

Huy Anh