|
|
Một bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP |
Đến cuối ngày hôm qua (18/3), nước Ý ghi nhận thêm 4.207 ca nhiễm và 475 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và người chết trên toàn quốc lên 35.713 và 2.978. Tỷ lệ tử vong là 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,1%. Số ca hồi phục là 4.025 người. Như vậy, tính đến nay số ca tử vong do Covid-19 đã gần bằng với Trung Quốc đại lục.
Tây Ban Nha hiện có 14.769 người nhiễm Covid-19, 638 người chết vì căn bệnh này. Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu, sau Italy. Thậm chí, phu nhân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng dương tính với nCoV. Từ 14/3 nước này phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày. Tất cả người dân phải ở nhà, ngoại trừ ra ngoài mua thực phẩm, thuốc, đi làm, đến bệnh viện hoặc các trường hợp khẩn cấp. Các hoạt động giải trí đều bị ngừng. Người vi phạm các quy định ngăn Covid-19 có thể bị phạt mức lên đến hàng trăm USD.
Nước Đức hiện nay đã có 12.327 trường hợp nhiễm Covid-19, 28 ca tử vong. Nước Đức đã cảnh báo rủi ro do Covid-19 của nước này từ mức vừa lên mức cao.
Nước Pháp thêm hơn 9.134 trường hợp dương tính với Covid-19 và 264 ca tử vong. Trong ngày 18/3, ngày đầu tiên phải cách ly nghiêm túc tại nhà, theo AFP, cảnh sát Pháp đã xử phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm yêu cầu ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 của chính quyền. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết ngày 17/3, nhà chức trách chỉ phạt nhắc nhở 35 euro nhưng từ ngày 18/3 trở đi, mức phạt là 135-375 euro với những ai thích đùa với pháp luật. Từ ngày 17-3, người Pháp bị yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết, mỗi lần như vậy họ phải ký giấy xác nhận nơi mình đi.
Thụy Sĩ cùng ngày đã khuyến cáo người dân ở yên trong nhà trong bối cảnh nước này có hơn 3.115 người dương tính với SARS-CoV-2 và 33 ca tử vong. Các quan chức y tế Thụy Sĩ thừa nhận số ca nhiễm tăng nhanh đến mức họ thấy khó khăn trong việc cung cấp số liệu.
EU đã đồng ý tạm thời đóng cửa biên giới đối với các di chuyển “không cần thiết” từ một nước thứ 3, trong bối cảnh khối này đang nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng lên 9.197 sau khi xuất hiện thêm 2.786 ca nhiễm. Mỹ cũng ghi nhận thêm 41 trường hợp tử vong, đưa số người chết lên 150. Tổng thống Trump kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng để tăng tốc sản xuất vật tư và thiết bị cần thiết như máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, khi ghi nhận 1.192 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 17.361 người. Tehran ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp để chống Covid-19 song chưa cho thấy hiệu quả, thể hiện ở số ca nhiễm và tử vong tăng lên mỗi ngày.
Hàn Quốc ghi nhận 8.413 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 và 84 người tử vong. Trong khi, Trung Quốc 80.894 người nhiễm, 3.237 ca tử vong. Ấn Độ cũng đã có 169 trường hợp nhiễm Covid-19 và có 3 ca tử vong.
Đông Nam Á, đứng đầu vẫn là Malaysia khi nước này có 790 người nhiễm và 2 người chết. Nước này đã phong tỏa toàn quốc, yêu cầu công dân không ra nước ngoài và cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Ở Việt Nam ngày hôm qua đã ghi nhận thêm 10 bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới đưa số người nhiễm của nước ta lên 76 người, chưa có trường hợp tử vong. Hầu hết các ca nhiễm bệnh ở Việt Nam là do từ nước ngoài mang vào.
Đến nay, thế giới ghi nhận 8.943 người chết do Covid-19, đa phần ở châu Âu, người chết chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh lý nền. Có 218.721 người nhiễm và đã có 84.383 người hồi phục.