Ngày 14/12, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại ở Brussels, Bỉ, lãnh đạo các thành viên EU đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine.

Động thái diễn ra giữa lúc cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga không đạt được thắng lợi như kỳ vọng và viện trợ quân sự từ Mỹ khó khăn hơn và không chắc chắn.

Cho đến trước cuộc bỏ phiếu, trong số lãnh đạo 27 nước thành viên EU, chỉ có Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người được cho có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, vẫn kiên quyết phản đối việc bật đèn xanh cho Ukraine tham gia đàm phán thành viên khi Kyiv còn đang trong cuộc chiến với Nga.

Ông Orban cho rằng, việc mở rộng tư cách thành viên đối với một quốc gia là một quá trình dựa trên thành tích của quốc gia đó và không có ngoại lệ. Và Ukraine chưa phù hợp để có thể thực hiện các bước gia nhập EU.

Một số nhà ngoại giao cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề nghị ông Orban rời khỏi phòng họp trước cuộc biểu quyết để quyết định có thể được thông qua.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu tại Đại sảnh của Hội đồng châu Âu ở Brussels, ngày 14/12. Ảnh: AFP.

Trong nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ về vấn đề này, ông Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gặp ông Orban trước hội nghị thượng đỉnh.

Trong một động thái dường như xoa dịu, hôm 13/12, Ủy ban châu Âu đã khôi phục quyền tiếp cận của Hungary với số tiền hoàn lại lên tới 10,2 tỉ euro cho các dự án kinh tế sau khi nhận thấy nước này đã đáp ứng các điều kiện về tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Ông Orban xác nhận đã vắng mặt không biểu quyết tại cuộc họp thượng đỉnh của EU.

Cùng ngày 13/12, khi 27 nhà lãnh đạo EU tập trung tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm, ông Orban nhấn mạnh, EU không nên bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU khác đã cảnh báo, việc không đồng ý sự đàm phán tư cách thành viên EU của Ukraine, vô hình chung đã mang lại một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

leftcenterrightdel
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters / Yves Herman.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine là một thông điệp gửi tới Kyiv cũng như Moscow.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh quyết định của EU và gọi đây là chiến thắng của Ukraine và của toàn bộ châu Âu.

“Đây là một chiến thắng cho Ukraine và cho toàn bộ châu Âu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh.”, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố.

Ukraine rất cần sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây trong cuộc chiến kéo dài gần hai năm chống lại lực lượng Nga. Cuộc phản công của Kyiv đã không đạt được thắng lợi có tính thay đổi cục diện, trong khi chính quyền của Tổng thống Biden cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỉ đô la cho Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi sự kiện là “một quyết định chiến lược” và một ngày lịch sử.

leftcenterrightdel
q
 Các nhà lãnh đạo châu Âu gặp gỡ Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước cuộc bỏ phiếu. Nguồn:  @PM_ViktorOrban.

Tuy vậy đây mới chỉ là bước khởi đầu, các cuộc đàm phán để Ukraine trở thành thành viên EU có thể sẽ phải mất nhiều năm.

Ukraine, quốc gia có dân số 44 triệu người và có diện tích lãnh thổ lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào, gặp một số thách thức đặc biệt trong việc gia nhập khối 27 thành viên.

Ngày 14/12, cùng với tin tốt cho Ukraine, ông Michel thông tin, Hội đồng châu Âu cũng đã quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập khối với Moldova.

Ông Michel cho biết hội nghị thượng đỉnh đã trao tư cách ứng cử viên EU cho Georgia và cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực tương tự đối với Bosnia, một khi nước này đạt được mức độ tuân thủ cần thiết với các tiêu chí.

Vào tối 14/12, các nhà lãnh đạo EU thảo luận để quyết định về đề xuất cấp cho Ukraine 50 tỉ euro viện trợ tài chính như một phần trong kế hoạch bổ sung ngân sách dài hạn của khối.

Để gia nhập, một nước phải đáp ứng các yêu cầu kinh tế và chính trị được gọi là tiêu chí Copenhagen, yêu cầu ứng cử viên phải có một chính phủ dân chủ, thị trường tự do cùng với các quyền tự do và thể chế tương ứng, đồng thời tôn trọng pháp quyền.

Văn Phong (theo Reuters)