Hiện diện quân sự chưa từng thấy!

Các chuyên gia lo ngại nghiêm túc về sự hiện diện của ít nhất 15 tàu chiến, gồm 3 tàu ngầm Nga ở ngoài khơi bờ biển Syria.

Với sự hiện diện được cho là đông đảo chưa từng thấy đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Nga có kế hoạch tham gia vào một chiến dịch quân sự đặc biệt, chống lại các phần tử thánh chiến sử dụng hải quân hay không.

Theo kênh Telegram “Hunter's Notes”, một trong những chiến hạm cuối cùng xuất hiện ngoài khơi Syria là tàu chở dầu thuộc Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga “Akademik Pashin”.

Các chuyên gia không loại trừ rằng, sự xuất hiện ở phía đông Địa Trung Hải của một số lượng lớn tàu chiến Nga có thể liên quan đến các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch.

leftcenterrightdel
Tàu chiến nga xuất hiện dày đặc và bất thường ngoài khơi Syria, gần quốc đảo Síp. Ảnh: Avia.pro. 

Tuy nhiên, một số lượng lớn tàu ngầm và chiến hạm tập trung ngoài khơi Syria là chưa từng được quan sát trước đó, cũng có thể cho thấy sự chuẩn bị cho một hoạt động quân sự.

Một bức ảnh kèm theo bài viết cho thấy, các tàu chiến Nga tập trung dọc bờ biển Syria, giáp với quốc đảo Síp, một số tàu khác ở phía bắc Ai Cập và khu vực trung tâm Địa Trung Hải.

Động thái quân sự của Nga diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ- Síp và Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải, khi 2 nước sau này cáo buộc Ankara xâm phạm lãnh hải của họ.

EU và Mỹ vào cuộc

Liên quan đến tình hình đông Địa Trung Hải, Libyareview nói, hôm thứ Năm 10/9, 7 nước thành viên Liên minh Châu Âu EU là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Malta, Hy Lạp và Síp, ra tuyên bố khẳng định “sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn với Síp và Hy Lạp”.

Cũng theo Libyareview, phát biểu trước chuyến thăm Síp vào thứ Bảy,12/9 để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực Địa Trung Hải, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh “Cuộc xung đột phải được giải quyết theo một cách ngoại giao và hòa bình”.

leftcenterrightdel
Động thái quân sự của Nga diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ- Síp và Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải. Ảnh: Avia.pro. 

“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một cuộc đối thoại thực sự và chúng tôi hi vọng rằng các phương tiện quân sự sẽ được rút về để có thể tổ chức các cuộc đàm phán này.”, ông Pompeo nói.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm kiếm trữ lượng khí đốt và dầu trong vùng biển mà thành viên NATO là Hy Lạp tuyên bố chủ quyền, hồi tháng trước đã triển khai một tàu thám hiểm được hỗ trợ bởi các khinh hạm quân sự.

Hy Lạp đáp trả bằng các cuộc tập trận hải quân; đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thành viên NATO cũng như nhiều láng giềng khác.

Chuyến thăm của Pompeo diễn ra ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ đối với Síp, khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.

Huy Anh/Avia.pro