Hôm 29/8, đụng độ đổ máu đã nổ ra khi những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shia có ảnh hưởng Muqtada al-Sadr dùng dây thừng kéo đổ hàng rào xông vào Phủ Tổng thống Iraq trong khu vực Vùng Xanh Baghdad, nơi có các tòa nhà chính phủ và khu ngoại giao.

Những người ủng hộ al-Sadr đã tràn ngập các căn phòng của tòa nhà, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ giáo sĩ.

Theo an ninh Iraq, các thành viên của Lữ đoàn Hòa bình, lực lượng dân quân do al-Sadr lãnh đạo đã đấu súng với lực lượng an ninh cũng như nhóm dân quân đối thủ, được cho do Iran hậu thuẫn.

leftcenterrightdel
 Những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr ở Vùng Xanh của thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 29/8. Ảnh AFP.

Trước đó cùng ngày, giáo sĩ al-Sadr tuyên bố sẽ rút khỏi chính trường Iraq và đóng cửa các văn phòng chính trị của mình để phản ứng với bế tắc chính trị của đất nước.

Các nguồn tin cho biết, ít nhất 15 người đã thiệt mạng và khoảng 350 người khác bị thương do trúng đạn và hơi cay.

Các quan chức an ninh cho biết súng cối và súng phóng lựu chống tăng đã được sử dụng trong các cuộc đụng độ.

leftcenterrightdel
 Những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr xông vào Văn phòng Thủ tướng Iraq. Ảnh : Ahmed Jalil / EPA.

Quân đội Iraq nhanh chóng thông báo lệnh giới nghiêm trên toàn quốc bắt đầu từ 19h, kêu gọi những người ủng hộ giáo sĩ lập tức rút khỏi khu vực chính phủ và kiềm chế.

Phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq cảnh báo, các cuộc biểu tình hôm 29/8 là một sự leo thang cực kỳ nguy hiểm; đồng thời kêu gọi những người biểu tình kiềm chế, rời khỏi tất cả các tòa nhà chính phủ.

Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ ở Baghdad. “Điều quan trọng đối với tất cả các bên lúc này là tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến bạo lực gia tăng.” Tuyên bố của EU viết.

leftcenterrightdel
 Giáo sĩ Muqtada al-Sadr. Ảnh : Reuters.

Trước tình hình bất ổn ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi công dân của mình tránh đến Baghdad và kêu gọi "đối thoại toàn diện" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

“Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về những diễn biến ở đất nước Iraq anh em. Chúng tôi hy vọng các xung đột chính trị hiện nay sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đối thoại, hòa giải.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

leftcenterrightdel
 Vùng Xanh thủ đô Baghdad náo loạn đêm ngày 29/8. Ảnh: AFP.

Chính phủ Iraq rơi vào bế tắc kể từ khi đảng của ông al-Sadr giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10 năm ngoái, nhưng không đủ đa số để thành lập chính phủ, trong khi các phe phái bất đồng về việc thành lập liên minh.

Việc ông al-Sadr từ chối đàm phán với các đối thủ do Iran hậu thuẫn và sau đó rút lui khỏi các cuộc đàm phán đã đưa đất nước vào tình trạng bất ổn chính trị.

Vào cuối tháng 7, những người ủng hộ ông al-Sadr cũng đã xông vào chiếm giữ tòa nhà Quốc hội để ngăn cản các đối thủ, một liên minh chủ yếu là các đảng Shia liên kết với Iran, thành lập chính phủ. 

Văn Phong (Theo Alarabiya, Aljazeera)