Trong một tuyên bố ngày 4/4, Văn phòng Tổng thống Armenia cho biết, trước đó cùng ngày, Tổng thống nước này Vahagn Khachaturyan đã ký đạo luật khởi động tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của nước này.

“Vào ngày 4/4, Tổng thống Vahagn Khachaturyam đã ký đạo luật để khởi động tiến trình gia nhập EU của Armenia.”, tuyên bố viết.

Vào ngày 26/3, Quốc hội Armenia đã thông qua dự luật về việc khởi động tiến trình gia nhập EU của nước này.

Trước đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về việc khởi động tiến trình nước này gia nhập EU.

Trong khi Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan, nói rằng, dự luật này dựa trên một sáng kiến công khai và đã thu thập được số lượng chữ ký cần thiết.

Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk tuyên bố rằng, Moscow coi các cuộc thảo luận của Armenia về dự luật tìm kiếm tư cách thành viên EU, là khởi đầu cho việc nước này rút khỏi Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Theo ông Overchuk, Armenia không thể đồng thời là thành viên của cả EU và EAEU.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan. Ảnh: Gavriil Grigorov/TASS.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Armenia Gevorg Papoyan tuyên bố rằng, Yerevan không có kế hoạch rút khỏi EAEU; giải thích rằng, Armenia cần duy trì, phát triển và tăng cường mức độ quan hệ với tổ chức này, cũng như thúc đẩy quan hệ với các cấu trúc khác.

Trước khi Quốc hội Armenia thông qua dự luật, Thư kí Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu, cảnh báo những hệ quả nghiêm trọng nếu Armenia, thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo, gia nhập EU.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, nếu Armenia gia nhập EU và sau đó rút khỏi EAEU, nước này sẽ mất đi một số đặc quyền.

“Theo ước tính thận trọng, việc rời khỏi Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ khiến Armenia mất 30-40% GDP. Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước, trong khi sản lượng giảm, thị trường lao động thu hẹp, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát gia tăng sẽ dẫn đến mức sống giảm mạnh. Trong khi đó, xét đến tình hình kinh tế châu Âu, Yerevan không nên mong đợi nhận được bất kì khoản trợ cấp hào phóng nào từ EU.”, ông Shoigu cảnh báo.

Theo Thư kí Hội đồng An ninh Nga, để đổi lấy triển vọng hội nhập châu Âu, công dân Armenia sẽ phải từ bỏ các đặc quyền mà thị trường lao động chung của Liên minh kinh tế Á-Âu mang lại, bao gồm: việc làm không cần giấy phép, đăng kí dễ dàng, chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí cùng nhiều ưu đãi khác nữa.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (ngoài cùng bên trái) trong cuộc họp báo chung sau hội nghị cấp cao 3 bên với Mỹ và EU tháng 5/2024. Ảnh: Johanna Geron/ AFP/ Getty

Ông Shoigu lưu ý, số tiền chuyển từ Nga vào Armenia hàng năm chiếm khoảng 15% GDP của nước này.

“Một phần đáng kể là các khoản Kiều hối từ công dân Armenia làm việc tại Nga chuyển về. Dựa trên thực tế là, nhiều lao động trong số họ sẽ phải hồi hương và họ không được chào đón ở châu Âu, chúng ta có thể chắc rằng, dòng tiền chảy vào nền kinh tế Armenia từ nước ngoài sẽ sụt giảm trông thấy.”, ông Shoigu nói, cho biết, trong tình huống như vậy, Armenia cần phải nhanh chóng tạo ra việc làm mới, nhưng nước này không có đủ nguồn lực đầu tư cần thiết cho việc này.

Hơn nữa, Armenia sẽ phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn và chứng chỉ của mình để phù hợp với các yêu cầu của EU.

Armenia cũng sẽ phải rút khỏi khu vực thương mại tự do Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), trong khi tổng kim ngạch thương mại của Armenia với các nước EAEU rất đáng kể, đạt 12,7 tỉ đô la vào năm 2024, so với các nước EU chỉ đạt 2,3 tỉ đô la.

Ngoài ra, theo ông Shoigu, Armenia sẽ khó thể chuyển đổi thị trường xuất khẩu của mình, vì hàng hóa của Armenia không được ưa chuộng ở châu Âu.

“Để hàng hóa thâm nhập và có chỗ đứng ở các thị trường phương Tây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, do các yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật, thú y và các yêu cầu khác.”, ông Shoigu giải thích.

Những năm gần đây, Armenia có xu thế xích gần và hội nhập với EU, nhất là kể từ cuối năm 2023, sau khi nước này thất bại trong cuộc xung đột với nước láng giềng Azerbaijan ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.

Văn Phong (theo TASS)