leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng kiểm tra việc cung ứng vaccine tại Dung An, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ngày 23/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Trả lời phỏng vấn nhật báo "Hindustan Times", người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ, ông S.Eswara Reddy cho biết: "Loại vaccine này hiện được sử dụng tại Ấn Độ, nhưng chúng tôi không có số liệu chính xác về số lô vaccine nhập khẩu hay những địa chỉ đã phân phối". 

Quan chức này nêu rõ ông đã yêu cầu các đơn vị chức năng chuẩn bị báo cáo chi tiết về việc nhập khẩu và phân phối loại vaccine trên và khi có đầy đủ thông tin sẽ yêu cầu thu hồi số vaccine này trên thị trường. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó sẽ cấm nhập khẩu loại dược phẩm này. 

Theo số liệu thống kê của Chương trình kiểm soát bệnh dại quốc gia của Chính phủ Ấn Độ, mỗi năm nước này có khoảng 20.000 người tử vong do bệnh dại.  

Hơn một tuần trước đây, các nguồn tin tại Trung Quốc cho biết Tổng cục Giám sát và quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc (CFDA) đã phát hiện công ty Trường Xuân Trường Sinh, công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc, làm giả hồ sơ dữ liệu về thử nghiệm và sản xuất một loại vaccine phòng bệnh dại. CFDA đã thu hồi giấy phép sản xuất loại vaccine nói trên, yêu cầu công ty này dừng sản xuất và bán sản phẩm này, đồng thời đình chỉ cấp phép tất cả các sản phẩm khác của công ty.

Ngoài vaccine phòng bệnh dại, công ty Trường Sinh thừa nhận đã xuất xưởng một lô vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván kém chất lượng. Theo một nhà phân phối, trong năm 2017, công ty này đã bán tổng cộng 252.000 liều vaccine DPT phòng bệnh bạch cầu, ho gà và uốn ván dùng cho trẻ em. 

Vụ việc gây làn sóng phẫn nộ từ các bậc phụ huynh và nhiều khách hàng. Ngày 23/7,  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cơ quan chức năng nước này điều tra và nghiêm trị những đối tượng chịu trách nhiệm trong vụ bê bối này. Một ngày sau đó, Cảnh sát thành phố Trường Xuân  thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, đã bắt giữ nữ chủ tịch của công ty trên.

Theo TTXVN