Phi hành gia người Nga Aleksey Ovchinin và phi hành gia người Mỹ Nick Hague đã trở lại Trái đất an toàn một cách ngoạn mục ngày 11/10. Tên lửa đẩy trên tàu vũ trụ Soyuz chở họ bị hỏng, khiến tàu tự động rơi ngược trở lại ở độ cao 80km.
|
|
Khoang tàu chở hai nhà du hành rơi xuống Kazakhstan. Ảnh: TASS |
Theo băng ghi âm ở buồng lái, tên lửa bay với tốc độ hàng nghìn km/h bị lỗi ở khu vực rìa vũ trụ khi đang trong hành trình kéo dài 6 giờ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Khi mới chỉ bay được 119 giây, hai phi hành gia đã rơi vào trạng thái phi trọng lực khi đáng lẽ họ vẫn phải cảm thấy áp lực lúc tăng tốc nhanh.
|
|
Đường bay của tàu Soyuz chụp từ ISS. Ảnh: Alexander Gerst |
Sử dụng dù để giảm tốc độ rơi của tàu, họ đã hạ xuống vị trí cách thành phố Jezkazgan của Kazakhstan 24 km, tức gần 500km so với bãi phóng.
Phi hành gia Ovchinin vẫn bình tĩnh sau khi trải qua quá trình rung lắc dữ dội trên ghế ngồi tàu vũ trụ khi tên lửa đẩy bị lỗi. Ông nói: “Một sự cố với tên lửa đẩy, 2 phút, 45 giây. Chuyến bay thật nhanh”.
|
|
Alexey Ovchinin (giữa bên trái) và Nick Hague (giữa bên phải) ôm người thân sau khi đáp xuống sân bay Krayniy ở Baikonur, Kazakhstan. Ảnh: AFP |
Nga cho biết đã mở một cuộc điều tra hình sự và đình chỉ mọi chuyến bay của tàu Soyuz. Vụ tai nạn xảy ra vài tuần sau khi phát hiện ra một lỗ trên ISS trong khi giới chức vũ trụ Nga cho rằng có hành vi cố ý phá hoại.
Video ghi lại từ địa điểm phóng tại Baikonur Cosmodrome cho thấy một đám khói dày đặc bốc ra từ tên lửa. Video ghi lại hình ảnh bên trong tàu vũ trụ cho thấy hai nhà du hành bị rung lắc dữ dội.
|
|
Hai nhà du hành trong khoang lái trong quá trình cất cánh. |
Vụ tai nạn có nét tương tự thảm họa xảy ra với tàu Challenger năm 1986 khi một trong các tên lửa đẩy bị lỗi khi rời bệ phóng, gây ra một vụ nổ làm chết 7 người.
Các nhà du hành đã trải qua hai lần tàu Soyuz bị lỗi trước đó. Một lần năm 1983 khi phi hành đoàn buộc phải thoát khỏi tàu lúc nó nổ trên bệ phóng. Một lần năm 1975 khi tàu Soyuz rơi trở lại Trái đất từ độ cao 144km do tên lửa hỏng, nhưng phi hành đoàn sống sót.
Trong những năm 1960, cũng có một sự cố tương tự như sự cố vừa xảy ra. Năm 2002, một tên lửa đẩy bị lỗi và tên lửa mang theo vệ tinh đã đâm xuống Kazakhstan làm một người trên mặt đất chết.
Tổng cộng tàu Soyuz đã được phóng 745 lần, trong đó 21 lần thất bại. 13 trong số 21 lần đó diễn ra từ năm 2010, khiến người ta nghi ngờ về độ tin cậy của tàu.
|
|
Khói bốc lên khi tên lửa đẩy gặp sự cố. Ảnh: AP |
Các đội tìm kiếm và cứu hộ đã khẩn trương tới vị trí hai nhà du hành rơi xuống. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA cho rằng tàu Soyuz đã phải tiếp đất ở một góc mạnh hơn thông thường.
Tàu Soyuz là cách duy nhất để đưa người lên ISS vào thời điểm hiện tại.
Phi hành gia Nick Hague và Ovchinin lên IS thực hiện sứ mệnh trong 6 tháng. Đây là một lần phóng hiếm hoi có hai phi hành gia cùng tham gia.
Một phát ngôn viên NASA cho biết các đội cứu hộ đã tiếp cận hai phi hành gia và họ đã được đưa ra khỏi tàu trong tình trạng tốt.
Hệ thống dù và động cơ tiếp đất của tàu đã hoạt động bình thường cho dù tàu Soyuz và phi hành đoàn phải chịu trọng lực rất lớn trong quá trình hạ cánh.
Nhà du hành Alexander Volkov bình luận: “Họ may mắn vì họ vẫn còn sống. Họ đã lên tới độ cao tương đối nên có thể hạ xuống bằng khoang lái.
|
|
Hai nhà du hành được kiểm tra sức khỏe sau vụ tai nạn. Ảnh: Roscosmos |
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Nga Roscosmos và NASA cho biết tàu Soyuz ba tầng tên lửa đẩy đã đột ngột ngừng hoạt động trong giai đoạn thứ hai.
Hệ thống khẩn của tàu hoạt động như kế hoạch nhưng vụ tai nạn là một thất bại lớn với ngành vũ trụ Nga, nhất là khi Nga có kế hoạch tới Sao Hỏa vào năm sau.
Trong vài năm qua, ngành vũ trụ Nga xảy ra một loạt vấn đề. Nga tiếp tục phụ thuộc vào các tên lửa đẩy thiết kế từ thời Liên Xô để phóng vệ tinh thương mại cũng như đưa phi hành đoàn và hàng hóa lên ISS.
Video hai nhà du hành rung lắc khi bị rơi ngược trở lại Trái đất (nguồn: Dailymail):
Lỗi phát hiện trong tàu Proton và Soyuz năm 2016 xuất phát từ khâu sản xuất tại nhà máy ở Voronezh. Roscosmos đã trả lại hơn 70 động cơ tên lửa cho nơi sản xuất để thay thế các bộ phận lỗi, khiến quá trình phóng tàu Proton bị gián đoạn cả năm trời, ảnh hưởng tới thị trường của Nga trong phóng vệ tinh thương mại.
Vụ phóng tàu Soyuz ngày 11/10 là lần đầu tiên Nga thất bại trong phóng tàu có người lái kể từ tháng 9/1983.
Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết mọi vụ phóng có người lái sẽ bị đình chỉ chờ điều tra nguyên nhân vụ thất bại vừa rồi. Ông cho biết thêm Nga sẽ chia sẻ mọi thông tin liên quan với Mỹ.
Thùy Dương/Báo Tin tức