|
|
Vật thể giống chiếc máy bay vẫn luôn hiển thị trên Google Maps suốt 4 năm qua. |
Theo dữ liệu của Google Maps, hình ảnh khu vực mà Wilson phát hiện ra một hiển thị đường viền giống một chiếc máy bay chụp trong 2 thời điểm năm 2015 và 2017 là giống nhau. Điều đó có nghĩa là nếu như không phải do lỗi hệ thống, không phải là do Google Maps không cập nhật hình ảnh, thì chứng minh một vật thể trông giống một chiếc máy bay vẫn luôn tồn tại trong khu rừng Campuchia suốt 4 năm qua. Điều này cũng bác bỏ giả thuyết mà một số chuyên gia nghi ngờ, cho rằng hình ảnh Ian chụp được chỉ là một chiếc máy bay bay ngang qua.
Trả lời phỏng vấn tờ Daily Star, chuyên gia hàng không Yijun Yu cho biết Google có thể sử dụng hình ảnh cũ và dữ liệu ngày tháng không chứng minh được điều gì. “Nếu như họ thu được hình ảnh ấy từ năm 2014, có thể do vệ tinh họ sử dụng không cập nhật dữ liệu trong suốt 4 năm qua hoặc có lỗi hệ thống”.
Hiện Wilson cùng anh trai Jackie chuẩn bị lên kế hoạch tới khám phá vùng rừng rậm Campuchia để tìm xác máy bay ông khẳng định là chiếc MH-370 mất tích.
Theo những hình ảnh vệ tinh mà ông Wilson cung cấp, trên Google Maps xuất hiện hiển thị đường viền của một chiếc máy bay lớn. Ông Wilson khẳng định các số liệu ghi nhận được từ hình ảnh Google Maps tương đương với số liệu chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH-370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, mặc dù dường như có khoảng cách bí ẩn giữa đuôi và thân chính. Ông Wilson giả thuyết khoảng cách bí ẩn đó có thể là do máy bay bị vỡ làm đôi khi hạ cánh trong địa hình rừng rậm nhiệt đới. “Máy bay Boeing 777-200 dài 63,7m. Từ hình ảnh trên Google, chiếc máy bay này dài 69 mét, nhưng có vẻ như có một khoảng cách giữa đuôi và phần sau của máy bay”.
Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ David Gallo – một nhà khoa học nghiên cứu đại dương từng giúp phát hiện ra chiếc máy bay 447 của hãng hàng không Air France rơi năm 2009 – bày tỏ nghi ngờ Chính phủ Malaysia còn che giấu thông tin về chuyến bay MH-370.
“Vấn đề ở đây là chúng ta không rõ chúng ta đã nhận được thông tin tốt nhất từ chính quyền Malaysia hay chưa. Tôi không tin những dữ liệu từ hệ thống radar được cung cấp tối hôm đó. Có rất nhiều vệ tinh tại khu vực đó. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào một chiếc máy bay bay trên trời suốt 7 tiếng đồng hồ mà không một ai tìm kiếm”, Tiến sĩ David Gallo giải thích.
Chuyến bay MH-370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8/3/2014, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Chiếc máy bay đột nhiên biến mất khỏi màn hình radar trong thời điểm bàn giao giữa hai bộ phận điều khiển không lưu của hai nước Malaysia và Việt Nam. Theo báo cáo điều tra an toàn MH370, từ dữ liệu radar và phân tích vệ tinh cho thấy chiếc máy bay đã thay đổi hành trình bay, quay trở lại bán đảo Malaysia và sau đó hướng về Ấn Độ Dương bay thêm một vài giờ nữa. Bản điều tra kết luận chiếc MH370 cuối cùng đã cạn kiệt nhiên liệu và rơi xuống vùng biển phía tây Australia.
theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức