"Trong quá trình giải mã hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay, nhóm điều tra đã phát hiện những điểm giống nhau không thể chối cãi giữa vụ rơi chuyến bay ET302 của Ethiopian Airlines và JT610 của Lion Air. Vấn đề này chắc chắn sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong những ngày tới", Reuters ngày 18/3 dẫn thông báo do Cơ quan an toàn hàng không Pháp (BEA), cơ quan được Ethiopia nhờ giải mã hộp đen chuyến bay ET302.

leftcenterrightdel
Máy bay Boeing 737 MAX. 

Cụ thể, theo nguồn tin, cả hai máy bay đã thay đổi độ cao và tốc độ bất thường. Tai nạn đều xảy ra sau khi cất cánh vài phút và mọi nghi vấn đều đang tập trung vào Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển bay (MCAS) mà Boeing mới đưa lên dòng 737 MAX. "Đồ họa thể hiện tham số bay của hai phi cơ rất, rất giống nhau", nguồn tin Pháp tiết lộ thêm.

Hiện Cục Điều tra Tai nạn Ethiopia (EAIB) và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đều đã xác nhận các thông tin này. 

Trước đó, như Bảo vệ pháp luật đưa tin, trong một bài phân tích gây dậy sóng dư luận Mỹ, tờ Seattle Times ngày 17/3 cho hay bản đánh giá an toàn về mẫu Boeing 737 MAX mà Boeing gửi tới Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để xin giấy phép có những sai sót nghiêm trọng, khiến những lỗi thiết kế của mẫu máy bay này không được quan tâm đúng mức, và có thể đã gây ra thảm kịch.

Tờ này nói rằng, để cạnh tranh với Airbus, Boeing cho ra đời 737 MAX với động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, vì động cơ này có chu vi lớn, nên chúng được Boeing lắp đặt cao hơn và nhô về phía trước trên cánh của 737 MAX. Điều này một mặt giúp tăng hiệu suất của động cơ, song mặt khác lại khiến chiếc máy bay có xu hướng ngóc đầu lên trong toàn hành trình bay.

Trong trường hợp tốc độ và độ cao chưa ổn định, việc máy bay ngóc đầu lên có thể khiến chúng chịu nhiều sức cản và mất hẳn tốc độ cần thiết, khiến máy bay rơi tự do.

Bởi vậy, để triệt tiêu nhược điểm, Boeing cho ra đời MCAS - một hệ thống hoạt động ngầm hoàn toàn - giúp chiếc máy bay ổn định độ cao bằng cách tự động điều khiển cánh điều hướng đuôi máy bay.

Mặc dù vậy, chuyên gia giấu tên từ FAA nói rằng, cả Boeing và FAA đã mắc sai lầm chết người khi cấp phép cho MCAS hoạt động chủ động và không thể can thiệp dựa vào một cảm biến duy nhất về hướng máy bay đặt mũi phi cơ.

Thông thường, trên mỗi chiếc máy bay luôn có hai cảm biến loại này, song Boeing quyết định cho MCAS hoạt động dựa trên thông tin từ một chiếc duy nhất. Nếu cảm biến nói trên nhận sai tín hiệu, MCAS lập tức điều khiển cánh đuôi máy bay chếch lên, khiến mũi máy bay chúc xuống.

Trong vụ rơi máy bay Lion Air tháng 10 năm ngoái, một nhân viên FAA tiết lộ, khi máy bay gặp sự cố, phi công nhiều lần cố điều chỉnh máy bay theo ý mình. "Nhưng phi công không thể thắng nổi hệ thống điều khiển tự động", nguồn tin khẳng định. 

Cứ mỗi lần phi công trên chiếc máy bay xấu số gạt cần số kéo mũi máy bay ngóc lên, MCAS lại được kích hoạt do nhận thông số sai từ cảm biến cân bằng ở mũi máy bay và tiếp tục buộc chiếc máy bay chúc đầu xuống đất.

"Chỉ cần hai lần kích hoạt, MCAS đã khiến cánh đuôi ngang bị điều chỉnh hết mức", nhân viên này nói. Khi cánh đuôi ngang bị điều chỉnh nâng lên hết mức, máy bay sẽ lao thẳng xuống đất ở tốc độ kinh hoàng. Nếu độ cao máy bay là 3-5 km, chiếc máy bay chỉ mất vài giây để mất kiểm soát hoàn toàn và rơi.

Theo dữ liệu hộp đen trên chuyến bay JT610 của Lion Air, phi công đã cố kéo mũi máy bay lên tới 21 lần, song đều thất bại.

Thái An