Những con cá heo hồng quý hiếm đang quay trở lại vùng biển giữa Hồng Kông và Ma Cao, gần cửa sông Châu Giang (Trung Quốc), sau khi đại dịch coronavirus tạm dừng các chuyến phà.

Hình ảnh cá heo kiếm ăn và tung tăng dạo chơi trên mặt nước là cảnh tưởng khá hiếm hoi, không được nhìn thấy trong suốt nhiều năm qua, do đây là một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới; chưa kể Đồng bằng sông Châu Giang là khu vực đang trong tình trạng công nghiệp hóa mạnh nhất thế giới với vô số những đại công trường và siêu đô thị; và là nơi sinh sống của khoảng 22 triệu người.

leftcenterrightdel
Cá heo hồng xuất hiện, giỡn nước ở vùng cửa sông Châu Giang là cảnh tượng hiếm hoi. Ảnh: AFP.

Khu vực này cũng là nơi hiện diện cây cầu biển dài nhất thế giới, nối trung tâm tài chính Hồng Kông với Ma Cao và Chu Hải.

Các chuyến phà giữa Hồng Kông và Ma Cao đã bị đình chỉ kể từ tháng 2, tạo cơ hội cho các nhà khoa học biển địa phương nghiên cứu cách các loài động vật có vú thích nghi với "sự yên tĩnh chưa từng có". 

Trong vài tháng qua, số lượng cá heo hồng tại vùng biển cửa sông này, nhờ vậy, đã tăng khoảng 1/3; tuy nhiên tổng số cá thể ước tính vẫn giảm 70-80% trong 15 năm qua.

leftcenterrightdel
Video cá heo hồng giỡn nước vùng biển giữa Hồng Kông và Ma Cao, gần cửa sông Châu Giang, nhờ việc đình chỉ hoạt động tàu phà tại đây do đại dịch COVID-19. Nguồn: AFP. 

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, ước tính chỉ còn khoảng 2.000 con cá heo hồng ở Đồng bằng sông Châu Giang, con số tối thiểu mà các nhà bảo tồn tin rằng cần thiết để duy trì loài này.

Có một nỗi lo sợ rằng cá heo ở đồng bằng có thể bị tuyệt chủng do môi trường sống của chúng bị tác động.

Laurence McCook, người đứng đầu bộ phận bảo tồn đại dương của WWF-Hong Kong cảnh báo, cá heo, và đặc biệt là những con cá heo cửa sông có tốc độ sinh sản rất chậm.

Huy Anh/AFP