Kỷ niệm 175 năm hình thành tuyến đường sắt đầu tiên của Thụy Sĩ, Công ty đường sắt Rhaetische Bahn (RhB) với sự hỗ trợ của hãng đóng tàu Stadler, đã ra mắt đoàn tàu Capricorn mới, lập kỷ lục đoàn tàu chở khách dài nhất thế giới.

Đoàn tàu Capricorn mới gồm 100 toa, dài 1.906 m và nặng 2.990 tấn, hình thành từ 25 đoàn tàu Capricorn thông thường.

leftcenterrightdel
 Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP / Getty.
leftcenterrightdel
 Cung đường sắt xoắn ốc, có độ dốc cao. Nguồn: swiss-image.ch/Philipp Schmidli.

Trong chuyến vận hành chính thức đầu tiên hôm 29/10, đoàn tàu đã mất gần một giờ để đi một cung đường dài khoảng 25 km, từ Preda đến Alvaneu ở miền đông Thụy Sĩ, trên tuyến Albula vốn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Trong đoạn đường chưa đầy 25 km, đoàn tàu đổ dốc từ độ cao 1.788 m trên mực nước biển ở Preda xuống 999,3 m ở Alvaneu, trong một cung đường gồm các đường xoắn ốc liên tục với những cầu cạn và đường hầm nối tiếp dốc đứng.

leftcenterrightdel
 Đoàn tàu dài gần 2 km, gồm 100 toa. Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP / Getty.

Để đảm bảo an toàn và yêu cầu kỹ thuật, đoàn tàu vận hành với tốc độ giới hạn dưới 35 km/h.

Đáng lưu ý, kỷ lục được thiết lập trên một tuyến đường sắt khổ hẹp.

Không giống như hầu hết các tuyến đường sắt phổ biến khác của Thụy Sĩ và châu Âu, thường sử dụng khổ đường tiêu chuẩn 1,435 m, các đường ray của RhB chỉ rộng 1 m.

leftcenterrightdel
 Nỗ lực xác lập kỷ lục nhân kỷ niệm 175 năm đường sắt Thụy Sĩ. Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP / Getty.

Hơn nữa, đây là tuyến đường sắt có những khúc cua tay áo nổi tiếng, có độ dốc lớn với 22 đường hầm và 48 cây cầu bắc qua các thung lũng và hẻm núi sâu thẳm.

Tuyến đường sắt Albula dài 62 km nối Sois với St Moritz hoàn thành vào tháng 7/1904, chỉ mất 5 năm để xây dựng mặc dù có tới 55 cây cầu và 39 đường hầm.

leftcenterrightdel
 Cung đường dài 25 km, đổ xuống từ độ cao 1.788 m trên mực nước biển ở Preda xuống 999,3 m ở Alvaneu. Ảnh: MAYK WENDT.

Trung tâm của tuyến đường sắt chạy qua vùng núi hiểm trở là đường hầm Albula dài 5.866 m.

Những kỷ lục tàu chở khách dài nhất thế giới trước đây do Bỉ và trước đó là Hà Lan nắm giữ, đã sử dụng đường sắt khổ tiêu chuẩn, chạy qua các vùng thắng cảnh với địa hình bằng phẳng.

leftcenterrightdel
 Những cầu cạn bắc qua những hẻm núi sâu thẳm. Ảnh: Rhaetian-Railway.

Giám đốc RhB, Renato Fasciati, cho biết: “Thụy Sĩ là một quốc gia đường sắt khác biệt. Năm nay, chúng tôi kỷ niệm 175 năm đường sắt Thụy Sĩ. Với nỗ lực lập kỷ lục thế giới, RhB và các đối tác của mình muốn đóng góp vào việc đạt được một kỳ tích tiên phong chưa từng thấy trước đây”.

Văn Phong (theo CNN)