Ba ngày sau khi được cấy ghép một trái tim lấy từ con lợn biến đổi gen, David Bennett, 57 tuổi, nam bệnh nhân ở Maryland, Mỹ vốn mắc bệnh tim giai đoạn cuối, đã hồi phục, các bác sĩ cho biết hôm 10/1.

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi một nhóm y bác sĩ tại Đại học Y Maryland (UMSOM), là một trong những trường hợp đầu tiên nhằm chứng minh tính khả thi của việc cấy ghép tim từ lợn cho người, một lĩnh vực có thể thực hiện được nhờ các công nghệ chỉnh sửa gen mới.

leftcenterrightdel
 Quả tim lợn biến đổi gen được cấy ghép cho bệnh nhân David Bennett. Ảnh: UMSOM / Reuters.

Nếu được chứng minh thành công, các nhà khoa học hy vọng nội tạng lợn có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng kinh niên từ nguồn hiến, điều đang khiến danh sách các bệnh nhân chờ ghép tạng ngày một dài thêm.

“Đây là ca phẫu thuật mang tính đột phá, một bước tiến gần hơn trong mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng kinh niên.”, Tiến sĩ Bartley Griffith, người đã thực hiện ca phẫu thuật cho biết, các nhà nghiên cứu đang thực hiện những bước đi một cách thận trọng tuy nhiên lạc quan về ca phẫu thuật có tính đột phá đầu tiên trên thế giới, giải pháp sẽ cung cấp một lựa chọn mới triển vọng cho các bệnh nhân trong tương lai.

leftcenterrightdel
Ca ghép được thực hiện ngày 7/1, do Bác sĩ phẫu thuật Bartley P. Griffith dẫn đầu. Ảnh: UMSOM/ Reuters.

Khoảng 110.000 người Mỹ hiện đang chờ được ghép nội tạng và hơn 6.000 bệnh nhân chết mỗi năm trong khi chờ được ghép, theo organdonor.gov.

Quả tim lợn biến đổi gen được ghép cho bệnh nhân Bennett được cung cấp bởi công ty Revivicor có trụ sở tại Virginia, Mỹ. 

Các bộ phận khác của lợn đang được nghiên cứu để ghép tạng cho người bao gồm thận, gan và phổi.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân David Bennett (bên phải). Ảnh: UMSOM/ Reuters. 

Trước đó vào giữa tháng 10 năm ngoái, Trung tâm y tế học hàng đầu của Mỹ NYU Langone Health có trụ sở tại New York, đã thực hiện ca ghép thử nghiệm một quả thận được lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa gen cho một bệnh nhân thận chết não.

Những nỗ lực trước đó trong việc cấy ghép từ lợn sang người đã thất bại vì sự khác biệt về gen gây ra sự đào thải nội tạng hoặc mầm bệnh gây ra nguy cơ lây nhiễm.

leftcenterrightdel
Ca ghép kết thúc, được đánh giá là thành công. Ảnh: UMSOM/ Reuters. 

Các nhà khoa học đã giải quyết vấn đề đó bằng cách chỉnh sửa các gen có thể gây hại.

Trong trái tim được cấy vào Bennett, 3 gen trước đây được cho có liên quan đến việc đào thải nội tạng đã bị loại bỏ khỏi con lợn, trong khi 6 gen người có liên quan đến sự chấp nhận miễn dịch được đưa vào bộ gen của lợn.

Các nhà nghiên cứu cũng đã loại bỏ một gen của lợn để ngăn chặn sự phát triển quá mức của các mô tim lợn.

Ngoài những chỉnh sửa gen di truyền đối với tim lợn, bệnh nhân Bennett đã nhận được một loại thuốc chống đào thải thử nghiệm do Kiniksa Pharmaceuticals có trụ sở tại Massachusetts sản xuất.

Văn Phong (Theo Reuters)