Hội thảo được tổ chức ngày 6/9, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu của hội thảo là nhằm xác định, tổng hợp những vấn đề quan trọng và cấp thiết với phụ nữ và trẻ em tại vùng DTTS và miền núi; làm cơ sở cho đề xuất nội dung hoạt động dự án trong những năm tiếp theo.

Báo cáo tại hội thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em tại các khu vực đặc biệt khó khăn.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Dự án 8 được Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện. Sau gần ba năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được những kết quả tích cực với 40 tỉnh thuộc địa bàn dự án đã được cấp ngân sách và ban hành kế hoạch thực hiện.

Các hoạt động của dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo, và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho các cán bộ chính trị và cộng đồng. Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc TW Hội LHPN Việt Nam, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khuôn khổ Dự án 8.

Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo” nằm trong chuỗi các Hội thảo quốc gia cùng chủ đề được tổ chức tại các khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam, và miền Bắc.

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về thực hiện Dự án 8 và các vấn đề cấp thiết đang đặt ra với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp, đề xuất lên Ban điều hành Dự án 8 để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 70 bài viết từ các nhà khoa học, đại diện các sở, ngành và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 khu vực miền Trung - Tây nguyên. Kết quả phản biện độc lập đã lựa chọn được 40 bài viết để biên tập và đăng trong Kỷ yếu của hội thảo. Các bài viết đã bám sát chủ đề hội thảo, nhiều bài viết có giá trị khoa học cao và nhiều bài viết phân tích khá đầy đủ, khách quan các vấn đề thực tiễn có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Hội thảo được tổ chức tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, các đại diện đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở LĐTB-XH, Ban Dân tộc các tỉnh và một số trường đại học khu vực miền trung.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hội thảo là dịp để các đại biểu xác  định rõ hơn những vấn đề cấp thiết vẫn còn tồn tại, là rào cản cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp can thiệp hiệu quả của Dự án 8 trong thời gian còn lại để phấn đấu thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 1.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được giải quyết trong thời gian tới để đề xuất cho giai đoạn tiếp theo (2026-2030), góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các ngành liên quan và những người quan tâm đến công tác bình đẳng giới, công tác dân tộc tôn giáo chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu làm nguồn tài liệu quý giá, giúp hoàn thiện và định hướng chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Hoàng Long - Xuân Nha