Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp.

Tình trạng ma túy vận chuyển trái phép qua biên giới vẫn có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 đến nay; nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn hàng trăm bánh heroin, hàng trăm kilogam ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam mà chưa bị phát hiện ở khu vực biên giới. Từ đó, gia tăng áp lực nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, công tác phối hợp giữa các lực lượng bộc lộ nhiều bất cập, nảy sinh những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, nội dung quy định về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Nhận thức, quan điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về sử dụng trái phép chất ma túy chưa đầy đủ, thống nhất, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ.

Ngoài ra, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới chỉ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở mức xử phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; chưa có chế tài quy định xử phạt (hoặc cưỡng chế) đối với người không chấp hành việc xét nghiệm chất ma túy có trong cơ thể khi cơ quan chức năng có căn cứ xác định người đó sử dụng trái phép chất ma túy; chưa có cơ chế để quản lý hiệu quả người sử dụng trái phép chất ma túy nên đã gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự nghiêm trọng ở nhiều nơi mà nguyên nhân xuất phát từ những người sử dụng trái phép chất ma túy.

leftcenterrightdel
 Đoàn đặc nhiệm số 2 - Bộ tư lệnh Cảnh sát biển bắt vụ ma túy lớn tại Nghệ An. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, việc sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng đa dạng về thành phần giới tính, nghề nghiệp, loại ma túy, cách thức sử dụng... Qua theo dõi thấy rằng, trong vài năm trở lại đây, nhiều đối tượng sử dụng ma túy thuộc nhóm Opiats (thuốc phiện, heroin) sử dụng song song hoặc chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp. Độ tuổi người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện ma túy của người sử dụng ma túy tổng hợp là rất khó khăn. Do đó, cần thiết phải đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cũng theo Bộ Công an, dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường do áp lực của tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới và các nước trong khu vực luôn gia tăng. Điều này tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự, cũng như gây ra hậu quả xấu đối với xã hội.

Cùng với đó, quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong nước theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ kéo theo quá trình đô thị hóa, dịch chuyển lao động, cũng như sự phát triển nhanh chóng các loại hình dịch vụ nhạy cảm, có điều kiện về an ninh trật tự (vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke..) sẽ tác động, lôi kéo người trẻ sử dụng trái phép chất ma túy, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, cần phải có cơ chế hiệu quả để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả từ việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy.

Đồng thời, tổng kết đầy đủ và toàn diện về công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách trong công tác phòng, chống ma túy; công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm qua.

Liên quan đến việc phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, dự thảo Nghị định quy định, các cơ quan chuyên trách phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án trong các trường hợp cụ thể. Theo đó, đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan xác lập đấu tranh có đối tượng liên quan đến địa bàn nội địa thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND chủ động phối hợp, thực hiện theo yêu cầu và tiếp nhận kịp thời hồ sơ, vật chứng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với các chuyên án ma túy do cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND xác lập đấu tranh, có đối tượng liên quan đến khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển thì cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan phối hợp, thực hiện theo yêu cầu.

Đối với những chuyên án ma tuý phức tạp, đối tượng có liên quan đến nhiều địa phương, hoạt động xuyên quốc gia, có tính quốc tế thì các cơ quan phối hợp thành lập Ban chuyên án chung để đấu tranh, khám phá (cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng nào phát hiện thì đồng chủ trì với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND, các cơ quan còn lại phối hợp tham gia; thẩm quyền phê duyệt thành lập Ban chuyên án chung là cấp trên một cấp của đơn vị xác lập chuyên án).

Trong trường hợp cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo chuyên án thì lực lượng Công an là Trưởng ban chỉ đạo, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan là thành viên (một, hai hoặc cả ba lực lượng tùy theo địa bàn và tính chất của chuyên án; Ban Chỉ đạo chuyên án là cấp trên một cấp của Ban chuyên án).

Trường hợp cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tại địa bàn, khu vực quản lý của mình, nếu phát hiện thông tin, tài liệu, có căn cứ xác lập chuyên án thì chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy khác xác lập, đấu tranh chuyên án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy gồm 6 chương và 63 điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung; Chương II: Phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý; Chương III: Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý; Chương IV: Quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý; Chương V: Trách nhiệm thực hiện; Chương VI: Điều khoản thi hành. 

P.V