Lợi dụng tuyến đường hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy

Báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho thấy, trong Quý I/2023, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm, đáng chú ý là tình trạng các đối tượng lợi dụng tuyến đường hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy tại các sân bay của Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn xảy ra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thể hiện, Quý I năm 2023 (từ 15/12/2022 - 14/3/2023), lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tăng cường công tác nắm tình hình, bám tuyến, bám địa bàn đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, liên tuyến, liên tỉnh với số lượng lớn. 

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, bắt giữ hơn 7.200 vụ, gần 11.000 đối tượng, thu giữ hơn 177kg heroin, 1.100 kg và gần 420.000 viên ma tuý tổng hợp, 121kg cần sa, 43kg thuốc phiện, 39 khẩu súng, 3,5 tỉ VNĐ cùng nhiều tài liệu, vật chứng khác liên quan.

Cũng theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thời gian gần đây nổi lên tình trạng ma túy qua đường hàng không từ châu Âu về Việt Nam và đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng. Thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao và đang có xu hướng gia tăng để cung cấp cho các thị trường ngoài khu vực.

Với công nghệ hiện đại, ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và ketamin nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng. Chính vì vậy, tội phạm ma túy quốc tế, chủ yếu là người Việt đang làm ăn, sinh sống tại châu Âu móc nối với đối tượng ở trong nước hình thành các đường đây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ các nước Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay thường lệ đến châu Âu. Lợi dụng sự thuận lợi, nhanh chóng của vận tải hàng không, các đường dây tội phạm ma túy cũng đẩy mạnh hoạt động làm cho tình hình diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ riêng tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2023, số lượng ma túy gửi qua đường hàng không, chuyển phát nhanh bị bắt giữ đã nhiều hơn 51kg so với lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước đó cộng lại.

Xác định tuyến hàng không quốc tế trọng điểm để tập trung đấu tranh

Trước tình hình trên, để chủ động phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường hàng không, thời gian tới các lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm ma túy thuộc lực lượng Công an, Hải quan cần xác định tuyến hàng không quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu về Việt Nam là một trong những tuyến trọng điểm để tập trung đấu tranh. 

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống ma tuý Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, tương trợ tư pháp và đấu tranh chuyên án chung với Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Cảnh sát liên minh châu Âu (Europol) và Cảnh sát các quốc gia thuộc EU để điều tra mở rộng các vụ án ma túy trên tuyến hàng không từ nước ngoài về Việt Nam nhằm truy rõ nguồn gốc, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài. 

Phía các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cần thực hiện nghiêm Luật Bưu chính; kiến nghị các bộ, ngành chức năng tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về việc cấp phép dịch vụ bưu chính; kinh doanh vận chuyển hàng hóa logictics theo hướng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện, thiết bị kiểm soát an ninh hàng hóa; có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.

Đối với các hãng hàng không cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, quy chế của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, nhất là các chuyến bay quốc tế. Đặc biệt là việc quán triệt, thực hiện Kế hoạch số 11 ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; Chỉ thị số 1480 của Cục Hàng không Việt Nam về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động của nhân viên hàng không vừa được ban hành.

Đối với hành khách đi máy bay, cần nâng cao cảnh giác và tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về phòng, chống vận chuyển hàng cấm, chất cấm. Việc có người nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tầu nhiều người cho là việc bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc vận chuyển, cầm hộ hàng hóa có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, việc giao nhận chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Ngoài ra, theo điểm a, b khoản 4 điều này: vận chuyển heroin, cocaoin, Methamphetamin, Amphetamin, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

P.V