Gần 500 bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên Đại học Y Hà Nội đã vào Nam chống dịch

Trước đó, từ đầu tháng 7, khi dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam, trường Đại học Y Hà Nội cũng đã cử 1 đoàn 350 cán bộ, bác sĩ, sinh viên vào hỗ trợ tỉnh Bình Dương.

Lần này, do thời gian lên đường rất gấp những giảng viên, bác sĩ, sinh viên này phải khẩn trương thu xếp, bàn giao công việc tại trường, tại bệnh viện rồi chuẩn bị hành trang “Nam tiến” với tâm trạng bồi hồi, âu lo. Tất cả đều trong tâm thế tình nguyện, “mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”.

leftcenterrightdel
 Đoàn bác sỹ nội trú trường ĐH Y Hà Nội cùng một số cán bộ Bệnh viện ĐH Y HN hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid tại BV Becamex Bình Dương.

Tại lễ xuất quân, GS TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, đây là đợt xuất quân lần thứ 4 của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Y Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh.

Chuyến xuất quân lần này khác với các chuyến trước cả về quy mô, lẫn chiến lược. Nếu các lần trước, đoàn đi về các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết cộng đồng, hỗ trợ khu cách ly… thì lần này trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhận F0.

PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, trong cuộc chống dịch Covid-19, đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19 trong khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế tử vong. Do vậy, nhiều thành viên trong đoàn ví chuyến đi lần này sẽ phải đương đầu với hiểm nguy, vì trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, có tỷ lệ lây nhiễm cao. Môi trường làm việc của những y, bác sĩ tại tuyến đầu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do đó, GS.TS Tạ Thành Văn đề nghị các thành viên trong đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và tâm đức của các y, bác sĩ, đoàn để tiếp sức cùng miền Nam sớm chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời, các thành viên phải luôn đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công việc.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của trường Đại học Y Hà Nội đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Theo kế hoạch của nhà trường, lần này chia làm hai đoàn cử đi hỗ trợ chống dịch tại hai địa phương là TP HCM và Bình Dương.

Trong đó, đoàn 97 Bác sĩ nội trú dày dặn kinh nghiệm sẽ trực tiếp vào Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh điều trị bệnh nhân COVID-19 (trưng dụng lại Bệnh viện Quốc tế Becamex) để chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng tại đây. Nhiệm vụ chính là chăm sóc bệnh nhân ở tầng 1 và tầng 2 (xếp theo thứ tự cấp độ bệnh nhân).

Tại tâm dịch TP HCM, Đoàn hơn 140 bác sĩ, sinh viên được phân công hỗ trợ quận 6, đặc biệt là Quận 8. Một trong những điểm phức tạp nhất của TP HCM về dịch COVID-19. Nhiệm vụ của toàn tập trung vào công tác xét nghiệm, tiêm Vắc xin, hỗ trợ các trạm y tế, quân dân trong công tác tiếp nhận thông tin và điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Ngày nào chưa hết dịch, chúng tôi chưa thể trở về"

TS Đỗ Nam Khánh, Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là tại TP HCM và Bình Dương, trường đã nhận được lệnh điều động vào Miền Nam tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ cán bộ, sinh viên, những nhân sự tham gia đều đã được tập huấn 4 nội dung: An toàn phòng hộ, lấy mẫu, chăm sóc điều trị, hỗ trợ tiêm chủng và xét nghiệm. Tất cả mọi người đều được tiêm Vắc xin đủ 2 liều theo tiêu chuẩn.

Ngoài ra, đoàn còn mang theo 4 tấn vật tư, trang thiết bị y tế, vì theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở cử lực lượng tham gia đều phải tự chuẩn bị vật tư y tế.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Đoàn Quốc Hưng - Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Y Hà Nội đến thăm cán bộ nhà trường lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu dân cư vùng nguy cơ ở Quận 6 TP Hồ Chí Minh.

Được biết, ngay khi dịch bùng phát tại các tỉnh miền Nam, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã được biệt phái vào Bình Dương, ông cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cử làm Giám đốc Y khoa của Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngay sau đó, Ban lãnh đạo Đại học Y đã phối hợp với Bình Dương thiết lập lại quy trình chăm sóc, điều trị tại đây, đồng thời đào tạo việc chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Do được đáp ứng, chăm sóc đảm bảo, tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt, năng lực chuyên môn của các Y bác sỹ được tập huấn hàng ngày cũng được nâng cao, giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Với sự tham gia của 97 Bác sĩ nội trú lần này, hy vọng năng lực điều trị tại Bình Dương sẽ hiệu quả và thay đổi tích cực.

Hỏi về thời gian đoàn trở về Hà Nội, TS. Khánh cho biết: "Khi nhận quyết định điều động vào miền Nam chống dịch, chúng tôi, những cán bộ, giảng viên, bác sĩ luôn trong tâm thế “chia lửa” với đồng bào vùng dịch. Đây là những địa phương nóng bỏng nhất cả nước hiện nay với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, do đó chúng tôi ý thức rõ, ngày nào chưa hết dịch, chúng tôi chưa thể trở về".

PV