Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, sớm ổn định sản xuất, đời sống xã hội.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, chỉ cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp khi đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch theo đúng các quy định hiện hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 và Bộ Y tế; đồng thời phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu, cụm công nghiệp, không được lơ là, buông lỏng, chủ quan, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Nơi nào không đáp ứng, không đảm bảo an toàn thì kiên quyết xử lý ngừng hoạt động.

Yêu cầu các chủ đầu tư khu cụm công nghiệp và các doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động của mình (thông tin về người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp); đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hàng ngày khi đến làm việc. Đồng thời phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình; đồng thời thông báo, gửi kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương sau mỗi lần xét nghiệm để phục vụ công tác hậu kiểm; chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu nhà trọ, chỗ ở của công nhân) vào trong doanh nghiệp và ngược lại: Các địa phương phải chủ động phối hợp với “Doanh nghiệp xanh” liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm, sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung 1 doanh nghiệp được ở chung 1 phòng hoặc 1 dãy, nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng 1 nhà máy, 1 doanh nghiệp ở chung khu nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.

Tại nơi cư trú, chỗ trọ của người lao động: chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện xét nghiệm sàng lọc hàng tuần theo quy định của ngành y tế cho tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình/phòng trọ đang ở chung với công nhân, người lao động của “Doanh nghiệp xanh”.

Ngoài ra, Các “Doanh nghiệp xanh” có trách nhiệm tổng hợp danh sách công nhân, người lao động của mình gửi đến UBND cấp xã nơi công nhân, người lao động cư trú để được cấp giấy xác nhận đi đường. Giấy xác nhận đi đường phải nêu rõ địa chỉ doanh nghiệp, địa chỉ cư trú, một cung đường mà người lao động di chuyển giữa nơi làm việc và nơi cư trú.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương và UBND cấp huyện thuộc địa bàn “vùng xanh” (các huyện: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát) tổ chức hướng dẫn và thực hiện thống nhất Mô hình 3 Xanh “Nhà máy xanh, Nhà trọ xanh và Công nhân xanh” trên cùng 1 địa bàn cấp huyện nhằm đảm bảo tính an toàn, hợp lý, khoa học, logic, hiệu quả và tiết kiệm thời gian; tránh gây ùn ứ, tập trung đông người tại các chốt kiểm soát người ra vào khi triển khai thực hiện.
Thúy Hà