Những vụ án thương tâm
Ngày 29/11/2023, tại thôn Tân Lập, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, người dân bàng hoàng, đau xót khi nhắc về vụ việc cháu T.T.T.L (6 tuổi) sau khi đi học về đã bị chính cha đẻ của mình là anh T.S.Q nhẫn tâm hành hung thương tâm dẫn đến tử vong.
|
|
Hiện trường vụ án mạng liên quan đến người tâm thần điều trị tại nhà. |
Theo hàng xóm xung quanh nơi ở của đối tượng kể lại, Q có tiền sử bị bệnh tâm thần, đã đến điều trị tại Bệnh viện sức khoẻ tâm thần Quang Hanh, Cẩm Phả. Đợt điều trị vừa xong cách thời điểm xảy ra vụ án khoảng 6 tháng, trong thời gian xuất viện, đối tượng vẫn tiến hành các hoạt động sản xuất bình thường, không có biểu hiện gì đặc biệt. Thế nhưng, vào giây phút mất kiểm soát hành vi, T.S.Q đã gây ra vụ án mạng thương tâm với chính con ruột.
Ngay sau vụ việc trên, ngày 1/12/2023, tại nhà ông V.V.T thuộc tổ 4, khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí tiếp tục xảy ra vụ việc cháu ruột đã dùng búa rìu bằng kim loại đập nhiều nhát vào đầu ông T chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt lúc ăn sáng, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Giống như vụ việc tại Tiên Yên, cháu của ông T cũng có tiền sử mắc bệnh tâm thần, tại gia đình đối tượng thỉnh thoảng có hành vi đập phá đồ đạc, đánh người trong gia đình. Những năm qua đã được gia đình đưa đến Bệnh viện sức khoẻ tâm thần Quang Hanh điều trị, đợt điều trị gần nhất kết thúc cách thời điểm xảy ra vụ việc 3 tháng. Trong thời gian xuất viện, đối tượng không thường xuyên sử dụng thuốc nên mới dẫn đến vụ việc đau lòng trên.
Có thể thấy, đặc điểm chung của những vụ việc thương tâm trên đó là người thực hiện hành vi đã có tiền sử mắc bệnh tâm thần, trong thời gian xuất viện không sử dụng thuốc điều trị thường xuyên, đôi lúc biểu hiện bên ngoài khá bình thường, nhưng lúc lên cơn lại bộc phát hành động rất nguy hiểm, gây ra hậu quả đau lòng ít ai ngờ đến.
Cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho các gia đình có người tâm thần
Những vụ việc trên cho thấy, việc chăm sóc người tâm thần tại nhà là cực kỳ quan trọng. Nhất là đối với những người bệnh chưa được điều trị dứt điểm, không được thăm khám thường xuyên. Đã có những trường hợp người bệnh tâm thần sống cùng gia đình và gây ra những vụ việc đáng tiếc. Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.
Chăm sóc người tâm thần tại cộng đồng không chỉ là xu hướng ở Việt Nam, mà còn được nhiều nước trên thế giới hướng tới. Tuy nhiên, để chăm sóc tốt người tâm thần tại nhà, ngoài sự phối hợp của các nhân viên y tế, những người trong gia đình cần được trang bị các kiến thức y tế cơ bản để ứng phó, đặc biệt là kỹ năng tự vệ, khống chế khi người tâm thần bị kích động.
Các bệnh viện bảo vệ sức khoẻ tâm thần cần chủ động mở lớp tập huấn các kiến thức y tế, kỹ năng tự vệ, khống chế khi người tâm thần bị kích động cho các gia đình có người mắc bệnh tâm thần; Từ đó, đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng được thuận lợi, an toàn, hiệu quả.