Hận thù vì bị gia đình người yêu ngăn cản cùng với đó là lòng tham với khối tài sản của gia đình người yêu đã khiến Nguyễn Hải Dương ra tay tàn độc.
Lòng hận thù lớn tới cỡ nào mà Nguyễn Hải Dương lại ra tay sát hại những người mà trước đó hắn từng coi là người thân? Lẽ thường, bất kỳ ai làm việc gì mà bị ngăn cản thì cũng có những phản ứng trở lại, có thể là ghét, coi thường và tìm hướng đi khác cho mình. Nhưng ở đây, với Nguyễn Hải Dương thì khác, lòng hận thù của hắn không phải xuất phát từ một tình yêu trong sáng mà xuất phát từ mong muốn đổi đời một cách nhanh chóng, không mất sức lao động. Để đạt được mục tiêu trở thành thành viên của một gia đình giàu có, hưởng cuộc sống sung túc, an nhàn nhưng bất thành Dương đã ra tay tàn độc với gia đình người yêu.
Quá trình gây án của Nguyễn Hải Dương có sự chuẩn bị, bàn bạc rất kỹ càng với những kẻ đồng phạm. Cả 3 thanh niên trong vụ án này đều có thể chất mạnh khỏe, sức khỏe tâm thần bình thường, chưa từng có tiền án, tiền sự… vậy mà chỉ cần nói đến “tiền” là họ bất chấp tất cả. Vậy phải lý giải như thế nào về hành động của họ? Tất cả chỉ là lười lao động và muốn hưởng thụ mà thôi.
Trong phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án này, Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: "Động cơ thúc đẩy các bị cáo phạm tội vì tiền. Riêng Dương còn do động cơ ích kỷ, đê hèn". Khị bị gia đình người yêu từ chối, đáng lẽ bị cáo phải tìm cách thuyết phục mọi người, chứng minh tình cảm của mình bằng cách xử xự, quá trình sống của bản thân, chứ không thể có cách suy nghĩ ích kỉ, thù hận theo lối “không yêu thì giết cả nhà”.
Khi tòa tuyên án, đứng trước cái chết, kẻ máu lạnh như Dương cũng phải run sợ. Vậy mà chúng lại dễ dàng tước đoạt sống của người khác. Biết rõ hậu quả, vậy nguyên nhân nào đẩy các bị cáo từ một công dân lương thiện, chưa tiền án, tiền sự lại ra tay tàn độc, khủng khiếp đến như vậy? Các chuyên gia luật pháp lý giải, vì các bị cáo có động cơ tham lam, lối sống ích kỷ, suy thoái về đạo đức, đề cao cá nhân, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, nhận thức lệch lạc về xã hội và coi thường pháp luật.
Tội ác của Dương, Tiến và Thoại đã phải trả giá, riêng Dương và Tiến phải chịu mức án cao nhất – tử hình. Thế nhưng, hệ lụy của vụ án này chưa dừng lại ở đây. Gia đình, người thân các bị cáo sẽ phải sống trong mặc cảm, lo lắng, chịu sự phản ứng dữ dội của xã hội. Còn bé Linh – bé gái 2 tuổi, người duy nhất sống sót trong vụ án, phải chịu nỗi đau mất mát trong gia đình mà không gì bù đắp nổi.
Còn xã hội cũng phải chịu một phen rúng động vì phải chứng kiến hành động man rợ của những thanh niên này. Vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm đã được đưa ra xét xử công khai. Phía sau vụ án này, để lại cho nhiều người những suy ngẫm day dứt cho chính cuộc sống và gia đình của mình, khi mà lối sống thực dụng, lười lao động, muốn hưởng thụ của nhiều bạn trẻ hiện nay là có thật và khá phổ biến.
“Ngồi mát ăn bát vàng” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều bậc làm cha mẹ nên họ thường chọn cho con em mình những việc nhẹ nhàng, kiếm được nhiều tiền nhất. Cha mẹ đã suy nghĩ, định hướng cho con em mình như vậy thì thử hỏi làm sao suy nghĩ của con em họ lại không lệch lạc?
Thêm vào đó, xã hội ngày càng phát triển, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét. Nhiều thanh niên nhà nghèo nhưng lười lao động, sống đua đòi, thích hưởng thụ, muốn giàu nhanh… nên bất chấp mọi cách để “biến cái của người khác thành cái của mình”. Họ sẵn sàng giết người chỉ vì một câu nói, một mâu thuẫn cá nhân. Khi túng quẫn, có khi chỉ vài đồng bạc là sẵn sàng đi ăn cướp, ăn trộm, giết người.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có thể không giúp được con cái mình về tiền bạc nhưng phải giúp con mình có được cách hành xử đúng đắn trước các mối quan hệ trong xã hội. Và quan trọng, gia đình phải là nơi nuôi dưỡng, hướng thiện cho từng thành viên. Từng thành viên tốt thì gia đình mới tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt được./.
Theo VOV