Trong khi chờ kết luận điều tra chính thức sau hơn 1 năm từ phía Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an về các vi phạm trong đấu thầu thuốc tại Công ty VN Pharma, vấn đề nóng nhất mà người tiêu dùng đang quan tâm chính là ai sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã buông lỏng để VN Pharma “tung hoành” trên thị trường thuốc đến như vậy?

 

 

Sau khi tìm hiểu và kiểm chứng từ nhiều nguồn tin, PV Báo Người Tiêu Dùng đã phát hiện tại ngành y tế TP.HCM có những mô hình tổ chức “rất lạ” được bao trùm bởi: Sở Y tế TP.HCM - Trung tâm Mua Sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố thuộc Sở Y tế TP.HCM. Điểm đặc biệt là cả 2 đơn vị này đều có chung một Giám đốc - Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh.

 

Bộ Công An “vạch trần” sai phạm

 

Tháng 9/2014, ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm VN Pharma (tại số 666/10/3 đường 3 tháng 2, P.14, Q.10, TP.HCM) bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an bắt giữ do hành vi làm giả 7 bộ hồ sơ đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Người đứng đầu VN Pharma còn bị cho là dính líu đến hành vi buôn lậu. Trước đó từ tháng 4/2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ lô thuốc 9.300 hộp thuốc H-Capita (một loại thuốc chữa ung thư) có trị giá 750.000 USD nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Đối tượng Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường (Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) đã móc nối với nhau, chỉ đạo cán bộ dưới quyền sử dụng giấy tờ gian dối thông qua một công ty dược phẩm tại Hongkong (Trung Quốc) ký hợp đồng.

 

Một thông tin đáng chú ý là trong danh sách sản phẩm đề nghị trúng thầu của Sở Y tế TP.HCM đợt 1 năm 2013-2014 thể hiện rõ ở số thứ tự 68 và số 97 trong hồ sơ trúng thầu với tên thuốc H-Capita Caplet 500mg dạng viên do Công ty Helix Pharmaceuticals INC - Canada sản xuất, kế hoạch là 571.000 viên với giá trúng thầu hơn 14,6 tỷ đồng do liên danh Công ty Dược Nam Anh (nơi ông Nguyễn Minh Hùng là Phó Tổng Giám đốc) và Công ty Cổ phần Dược phẩm TW1 - Pharbaco đã trúng thầu.

 

Ngoài ra, cả VN Pharma và liên danh Nam Anh - Pharbaco còn trúng liền cả 2 gói thầu cung ứng thuốc chữa bệnh cho một số bệnh viện tại TP.HCM với giá trị lên đến gần 500 tỷ đồng. Qua các cuộc đấu thầu “nhiều nghi vấn” này, ông Hùng được giới kinh doanh cả nước xem là “ông vua đấu thầu y tế” mặc dù các công ty do ông lập ra không hề có nhà máy sản xuất nào, khiến dư luận trong ngành hết sức bất bình.

 

Trở lại câu chuyện thuốc H-Capita Caplet 500mg, do số thuốc này thực tế đã có mặt tại Việt Nam và bị niêm phong. Tuy nhiên, điều khó tin là nhà sản xuất - Công ty Helix Pharmaceuticals không hề có trên thực tế, nên giấy tờ nhập khẩu lô hàng này là giả mạo. Câu hỏi đặt ra ở đây là số thuốc trên được đưa vào Việt Nam để phân phối về một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là từ đâu ra?

 

Sau khi ông chủ VN Pharma bị bắt, người dân mới đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong ngành dược Việt Nam, VN Pharma là một đơn vị “sinh sau đẻ muộn”, nhưng tốc độ phát triển và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nhanh như vũ bão. Tham gia thị trường phân phối dược phẩm từ năm 2011, đến cuối tháng 5/2012, công ty này đã tiến hành đại hội cổ đông lần đầu tiên. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, VN Pharma đã thành lập VN Pharma An Giang (27/2/2012) và VN Pharma Cà Mau (18/6/2012). Cuối năm 2012, công ty này thành lập chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc.

 

Thấy gì qua sai phạm, trách nhiệm thuộc về ai ?

 

Qua việc Tổng Giám đốc VN Pharma bị bắt, dư luận mới phần nào hiểu được những câu chuyện bất thường liên quan tới việc đấu thầu thuốc tại TP.HCM, và chính cơ quan Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Mua Sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố, nơi từng được UBND TP.HCM giao trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực này.

 

Việc tổ chức đấu thầu tập trung là hình thức hợp lý để chọn ra nhà thầu bảo đảm chất lượng sản phẩm thuốc chữa bệnh, giúp người bệnh tiếp cận được giá cả phù hợp... Nhưng đến nay, thực tế đã chứng minh thuốc của VN Pharma đã sử dụng giấy tờ giả nhập về không nguồn gốc xuất xứ, điều này đồng nghĩa quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

 

Rà soát lại danh sách các đơn vị trúng thầu, có những công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam mặc dù đạt chuẩn nghiêm ngặt của WHO, EU và được lưu hành tại các nước châu Âu, giá cả hợp lý, nhưng lại không được trúng thầu. Thậm chí, một số thương hiệu quen thuộc trong ngành như Dược Hậu Giang, Sanofi... cũng không hề có tên trong danh sách, còn Domexco chỉ trúng thầu một phần nhỏ.

 

Trong khi chờ kết quả điều tra từ phía Cơ quan An ninh Điều tra, vấn đề âm ỉ và nhức nhối hiện được nhiều người dân quan tâm trong suốt thời gian qua là trách nhiệm vụ việc này sẽ thuộc về cơ quan nào? Cá nhân nào sẽ lãnh tội vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trực tiếp làm hại đến hoạt động kinh tế và gây hại cho sức khỏe của nhân dân.

 

Tất nhiên, người đứng đầu VN Pharma và các nghi can đồng phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, điều mà hàng triệu người dân đang mong mỏi chính là sự điều tra nghiêm minh trước nghi án dựa vào đâu ông Minh Hùng và các tay sai trong VN Pharma dễ dàng “dùng tay che cả bầu trời”, qua mặt được các cơ quan, tổ chức để có thể buôn lậu thuốc và làm giả giấy tờ đấu thầu một cách dễ dàng như vậy. Đặc biệt, cơ quan Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Mua Sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố sẽ chịu trách nhiệm như thế nào ?

 

Cũng cần nhắc lại, vào ngày 24/1/2013, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ký Quyết định số 414/QĐ-UBND để thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành Y tế thành phố theo phương thức tập trung, trực thuộc Sở Y tế. Trung tâm này có tên viết tắt là HPC. Trung tâm này có những “quyền lực” cực lớn như tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế về công tác tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa (gồm: thuốc hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế) và trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của tất cả các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc TP.HCM. Ngoài ra, cái trung tâm rất “lạ” này còn được “khoác” lên mình những quyền lực bổ sung và thao túng toàn bộ công tác mua sắm hàng hóa, thiết bị y tế của thành phố.

 

Cụ thể, tại Điều 3, Quyết định này còn nêu rõ Trung tâm HPC có Giám đốc Trung tâm và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thời điểm này là ông Nguyễn Tấn Bỉnh. Tuy nhiên, ngày 12/9/2013, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận lại tiếp tục ký Quyết định số 4994/QĐ-UBND về việc phân công ông Nguyễn Tấn Bỉnh kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm HPC. Như vậy, với quyết định 4994, ông Giám đốc Sở Nguyễn Tấn Bỉnh lại có thêm một quyền lực mới. Đặc biệt ở cương vị này, ông Giám đốc Trung tâm HPC Nguyễn Tấn Bỉnh chỉ chịu giám sát và chỉ đạo trực tiếp từ chính mình!??

 

Trong số báo tiếp theo phát hành vào thứ 6 tuần sau (ngày 18/3/2016), Báo Người Tiêu Dùng sẽ tiếp tục viết về các vấn đề có hay không lợi ích nhóm đang thao túng thị trường dược phẩm và thiết bị y tế tại TP.HCM. Người tiêu dùng thành phố có lợi gì đối với việc đấu thầu tập trung và sẽ bị thiệt hại như thế nào với cách quản lý tập trung đấu thầu “kỳ lạ” của ngành y tế thành phố.

 

Theo NTD

.