Ngày 13/8 tại xóm Cời (Yên Cường, Ý Yên, Nam Định), người dân đã bàng hoàng khi phát hiện bà Đinh Thị Đủng (82 tuổi) và Trịnh Văn Khôi (11 tuổi) đã chết gục trên vũng máu với rất nhiều vết thương tại nhà riêng. Hiện cơ quan CSĐT đã bắt giữ và xác định đối tượng gây án là Trịnh Văn Duy (SN 2000), chính là cháu nội của nạn nhân.

 

Xóm Cời, Yên Cường, Ý Yên, Nam Đình nơi xảy ra án mạng
Xóm Cời, Yên Cường, Ý Yên, Nam Đình nơi xảy ra án mạng


Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư đã có một số nhận định pháp lý về vụ việc này.

Theo thông tin về vụ việc, hung thủ gây án là Trịnh Văn Duy sinh năm 2000, cần phải xác định rõ ràng ngày, tháng, năm sinh của đối tượng để làm căn cứ xử lý. Vì theo quy định tại Khoản 2, Điều 12; Khoản 3, Điều 8 và Điều 93 Bộ luật hình sự thì hành vi giết người (giết nhiều người) của đối tượng từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu tính đến thời điểm gây án mà đối tường đã đủ từ 14 tuổi thù hành vi đó sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Khoản 1, Điều 93 Bô luật hình sự.

Theo tình tiết của vụ việc, hành vi giết người của Trịnh Văn Duy có thể xử lý theo Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự với nhiều tình tiết định khung và tình tiết tăng nặng là tình tiết côn đồ, giết nhiều người, phạm tội với người già, trẻ em… Nếu người thực hiện hành vi phạm tội là người thành niên thì có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và nhiều tình tiết tăng nặng, tình tiết định khung tăng nặng. Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật nước ta thù người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, hình phạt cao nhất không quá 12 năm tù theo Khoản 2, Điều 74 Bộ luật hình sự. Do vậy, nếu đối tượng trên giết bà và em mình thì mức phạt cao nhất là 12 năm tù.

Theo quan điểm của nước ta, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, người vẫn còn trong quá trình học tập, học làm người. Họ chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, chưa ổn định về tâm lý và nhiều khi chưa làm chủ được hành vi của mình... Vì tuổi trẻ nên họ có thể cải tạo, giáo dục để trở thành người tốt,do đó, dù có phạm tội tới mức nào thì cũng không loại bỏ khỏi đời sống xã hội (không tử hình), tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời. Đó là chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước ta. Bên cạnh đó còn có tư tưởng "con dại cái mang", tức là trong việc phạm tội của người chưa thành niên còn có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong đó. Chính vì vậy các quy định trong bộ luật hình sự trước đây và hiện nay mới quy định một chương riêng cho người chưa thành niên phạm tội để áp dụng hình phạt thấp hơn, nhẹ hơn đối với người chưa thành niên... không có hình phạt tử hình; với tù có thời hạn thì không quá 18 năm với người từ 16 -18 tuổi và không quá 12 năm với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, trước thực trạng người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng như hiện nay, mức độ và tính chất của hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến ổn định trật tự xã hội thì cũng đã có nhiều ý kiến về việc nâng mức hình phạt với người chưa thành niên phạm tội để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Theo Luật sư, thì việc tăng mức hình phạt với người chưa thành niên là chưa cần thiết, hình phạt như vậy mới đảm bảo tính khoan hồng, tiến bộ của xã hội ta. Về nguyên tắc thì việc công dân thực hiện pháp luật trên cơ sở tự nguyện, nhà nước đưa pháp luật vào đời sống xã hội bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục để công dân có nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật, thực hiện pháp luật. Có như vậy, mới mang lại hiệu quả của quản lý xã hội. Việc cưỡng chế, hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà không thể thuyết phục, giáo dục, động viên người dân tự nguyện chấp hành pháp luật... Do vậy, nên làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhà trường, tổ dân phố, thôn bản để người dân biết và tự nguyện chấp hành.

Có nhiều nguyên nhân khiến người phạm tội ngày càng "trẻ hóa" và người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao, nhiều vụ án khiến dư luận bức xúc như vụ "Lê Văn Luyện"..., một trong các nguyên nhân đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đạo đức, pháp luật trong nhà trường chưa thực sự đạt hiệu quả, khiến nhận thức, ý thức pháp luật của giới trẻ đôi khi mơ hồ, coi thường pháp luật; Các phụ huynh ngày càng thiếu thời gian quan tâm, giáo dục con cái, nhiều trường hợp còn phó mặc cho nhà trường, xã hội; Vai trò của các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, giáo dục ý thức tôn trọng quy tắc sinh hoạt cộng đồng còn nhiều hạn chế khiến trẻ em, người chưa thành niên còn có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật; Mặt trái của kinh tế thị trường với nhiều cám dỗ, phim ảnh, trò chơi điện tử... khiến giới trẻ đôi khi chìm vào thế giới ảo, sống trong thế giới ảo, mang cách hành xử của thế giới ảo để ứng xử trong đời sống xã hội....

Trước thực trạng trên, nhà nước ta nên có giải pháp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phải có phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để định hướng giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật cho giới trẻ. Có như vậy mới tránh được những chuyện đáng tiếc xảy ra như vụ việc nêu trên. Trong các giải pháp phải thực hiện thì việc giáo dục đạo đức, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, lâu dài của nhà nước ta. Phải có sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, nhà trường, các tổ chức xã hội và gia đình trong vấn đề này; Cần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn nữa của "thế giới ảo" để trẻ em không sa vào thế giới ảo để quên đi thực tại xã hội, không mang những văn hóa, cách ứng xử của thế giới ảo ra áp dụng trong đời sống xã hội... Như thế, mới giảm thiểu được tình hình tội phạm với người chưa thành niên và nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng, kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật để tạo ra sự ổn định và phát triển xã hội.

 

Theo ĐSPL