Tại phiên tòa xét xử các bị cáo chặt tay cướp SH, mẹ bị cáo Hồ Duy Trúc đã có những hành động gây náo loạn tại phiên tòa khi nghe HĐXX tuyên án tử hình dành cho con trai mình.  
 
Chiều 25/12, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên tử hình bị cáo Hồ Duy Trúc về tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự.
 
Hội đồng xét xử nhận định Trúc đã cầm đầu, tổ chức thực hiện 15 vụ cướp chỉ trong thời gian chưa đến sáu tháng với số tiền cướp lên tới 610 triệu đồng, gây thương tích cho 7 người bằng thủ đoạn dùng dao dài chém nạn nhân trên những đoạn đường vắng vào buổi tối. 
 
Bản thân Trúc cũng là người trực tiếp cầm dao chém đứt lìa cổ tay của chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ. Ngoài ra, Trúc còn là người trực tiếp điều khiển xe máy, ép xe của các nạn nhân trong 14 vụ cướp khác.  
 
Mẹ bị cáo Trúc đã có những hành động gây náo loạn phiên tòa
Mẹ bị cáo Trúc đã có những hành động gây náo loạn phiên tòa
 
Có mặt tại cả hai ngày xét xử, thân nhân của các bị cáo đã khóc rất nhiều. Mẹ ruột bị cáo Trúc đã ngất đi khi nghe đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân đối với đứa con trai mới 20 tuổi của mình. 
 
Nhưng đến khi tòa vừa tuyên án tử hình Trúc, mẹ của Trúc đã la hét trong phòng xử cho rằng con mình bị xử mức án quá nặng. Sau đó, mẹ của Trúc còn lao vào xe chở phạm nhân khiến lực lượng cảnh sát bảo vệ phải rất vất vả mới đưa được các phạm nhân ra xe để về trại tạm giam.
 
Đồng ý rằng người mẹ nào mà chẳng thương con, nhất là khi nghe con mình bị tuyên án tử hình. Thế nhưng nếu cho rằng tòa cấp sơ thẩm tuyên án nặng với con mình thì mẹ bị cáo Trúc hoàn toàn có quyền kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP.HCM để xin giảm nhẹ hình phạt cho con mình chứ không được quyền la hét trong phòng xử, lao vào xe chở phạm nhân như vậy.
 
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc
 
Bởi hành vi đó của mẹ bị cáo Trúc đã gây náo loạn phiên tòa và sân tòa, vi phạm pháp luật. Điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ. Người bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành lệnh của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự tại phiên tòa.
 
Rõ ràng trong trường hợp này, chủ tọa phiên tòa đã quá hiền khi không ra lệnh cho người bảo vệ phiên tòa bắt giữ mẹ của bị cáo Trúc về hành vi gây rối trật tự phiên tòa. Sau khi ra lệnh bắt giữ, chủ tọa hoàn toàn có quyền yêu cầu lập biên bản người vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.
 
Theo Điều 245 Bộ luật Hình sự, “người nào gây rối trật tự công cộng mà có hành vi phá phách” thì có thể bị phạt tù tới 7 năm. Trong trường hợp này, mẹ bị cáo Trúc có hành vi gây rối trật tự phiên tòa là quá rõ. Mà phiên tòa là nơi chốn công cộng, là nơi đại diện cho nhà nước để nhân danh công lý xử án những kẻ vi phạm pháp luật. Cho dù không “tâm phục khẩu phục” hội đồng xét xử đi chăng nữa thì mẹ bị cáo Trúc cũng phải tôn trọng hội đồng xét xử, tôn trọng những người tham dự phiên tòa… rồi kháng cáo sau chứ ai cho phép bà này được quyền gây náo động phiên tòa?
 
Tại sao không có bất kì hình phạt nào cho hành động gây náo loạn của mẹ bị cáo?
Tại sao không có bất kì hình phạt nào cho hành động gây náo loạn của mẹ bị cáo?
 
Không những thế, hành vi lao vào xe chở phạm nhân khiến lực lượng cảnh sát bảo vệ phải rất vất vả mới đưa được các phạm nhân ra xe để về trại tạm giam, tức là mẹ của bị cáo Trúc đã có hành vi phá phách, chống người thi hành công vụ, cần phải bị nghiêm trị. Rất tiếc hội đồng xét xử đã “bỏ qua”, không ra lệnh bắt giữ cũng như không có bất cứ biện pháp mạnh nào với mẹ bị cáo Trúc.
 
Đành rằng ai cũng thương con, nhưng thương thì phải giáo dục con cho nên người, chứ để nó ra đường ăn cướp, chặt tay người khác cướp xe mà lại còn bênh vực, quậy phá tại tòa thì đó là một tình thương mù quáng.
 
“Gia đình là tế bào của xã hội”, tiếc rằng gia đình bị cáo Trúc, qua tội ác không thể dung thứ của người con và cách hành xử thái quá nêu trên của người mẹ, thể hiện đây là một “tế bào bệnh hoạn” mà xã hội không thể chấp nhận được.
 
Theo Một Thế Giới