Bao năm qua, cư dân xóm Huế (ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) vốn sống chan hòa tình cảm với nhau. Ông Lê Tuấn (65 tuổi) cho biết, những người có tuổi như ông luôn trân trọng tình đồng hương, nên chuyện mâu thuẫn láng giềng trong xóm Huế ít khi nhờ đến chính quyền, mà họ cùng nhau giải quyết. Nay bọn trẻ “như rứa”, những người có tuổi như ông buồn lắm.


Sáng 28-3, ông Tuấn và nhiều người dân trong xóm Huế tạm gác lại công việc đồng áng cùng nhau đến Tòa án nhân dân tỉnh dự tòa. Gần 4 giờ ngồi yên một chỗ, mọi người mới nghe tòa tuyên phạt bị cáo Lực 11 năm tù giam về tội giết người, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại Long gần 80 triệu đồng. “Thằng Lực là trụ cột của gia đình ông M., nhà nó có 4 anh em, anh trai nó bị tàn tật nằm một chỗ. Nay nó đi tù, cha mẹ nó giờ càng khổ so với thời mới vào Thọ Phước lập nghiệp. Riêng thằng Long, giờ nó trở nên ngớ ngẩn, không ai dám thuê làm công” - ông Tuấn cho hay.

Phiên tòa kết thúc, cả xóm hối thúc nhau lên xe buýt trở về nhà và không quên ngước nhìn cảnh bị cáo Lực bị các chiến sĩ công an dẫn giải lên xe chở về nơi giam giữ. “Sự việc xảy ra cũng có phần lỗi của cha mẹ tụi nó. Giá như hai gia đình biết cách xử sự khôn ngoan, “dĩ hòa vi quý” thì sự việc không xảy ra như hôm nay” - chị Như (hàng xóm của hai gia đình) tâm sự trước khi cùng mọi người bước lên xe buýt về nhà.

Tình đồng hương

Vốn là thanh niên giỏi việc rẫy vườn, lại là trụ cột của gia đình, Lực hăng hái nhận làm tất cả các công việc nặng nhọc mà bà con trong xóm, trong xã thuê mướn để có tiền phụ giúp gia đình. Sau một ngày làm việc trở về, khoảng 17 giờ ngày 2-2-2013, Lực đang lúi húi cho dê ăn chiều thì nghe tiếng la mắng từ nhà ông B. vọng sang nhà mình (về việc vợ ông B. bị em trai Lực đánh trúng chân).

Lúc này, bà M. cùng hai đứa con nhỏ và anh L. hàng xóm sang nhà ông B. giãi bày sự việc, nhằm mục đích hàn gắn lại tình hàng xóm. Cả 4 người vừa đến nhà ông B. thì em gái Lực nhìn thấy ông B. cầm cây, Long cầm dao, nên vội chạy về nhà báo cho Lực biết.

Do em gái tường thuật không đủ đầu đuôi câu chuyện nên làm cho Lực bức xúc, vội cầm khúc cây nơi chuồng dê chạy sang nhà ông B. Được mọi người ngăn cản, Lực đã ra đầu ngõ ngồi chuyện trò với mấy người bạn hàng xóm. “Một lúc sau, thấy 4 người trong gia đình ông B. kéo đến nhà mình, bị cáo tưởng họ kéo đến đánh nhau nên đã cầm cây lao tới đánh vào đầu Long một cái. Sau đó, hai bên xảy ra xô xát và được mọi người can ngăn” - bị cáo Lực trình bày trước tòa.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Lực đã phạm vào tội giết người có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, trong quá trình phạm tội, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên tòa xem xét mức án dưới khung hình phạt là 11 năm tù giam.

Trong khi đó, bảo vệ cho bị cáo Lực, luật sư tranh luận với tòa, hành vi của bị cáo Lực không phải xuất phát từ bản tính côn đồ, hung khí phạm tội chỉ là đoạn cây mục, nhất là bị hại Long chỉ bị thương tật tạm thời 45%... “Gia đình chúng tôi không đồng tình với bản án tuyên về mức hình phạt tù, vì tòa xử quá nghiêm khắc với con tôi. Tôi sẽ vận động con kháng cáo để tòa cấp trên xem xét lại sự việc, để con trai tôi sớm về nhà” - ông M. cho biết quan điểm khi phiên tòa kết thúc.

Tình cảm của ông M. được những người đồng hương chia sẻ, động viên trên suốt đoạn đường trở về bằng xe buýt. Tuy nhiên, cũng trên chiếc xe buýt nóng bức đó, mọi người lại có dịp ôn lại kỷ niệm đẹp, những năm tháng “tắt lửa, tối đèn” có nhau khi các gia đình rời quê về vùng đất Thọ Phước lập nghiệp, kết giao tình đồng hương và dựng vợ, gả chồng cho con cháu của nhau để thắt chặt tình đoàn kết. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, ông bà ta dạy rứa, nên bọn tôi rất đau lòng khi chứng kiến cảnh hai gia đình ông B. và ông M., một đứa thì đi tù, đứa còn lại bị tàn tật” - ông Tuấn bộc bạch.
 

Theo Báo Đồng Nai

.