Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bổ sung thêm một số điều luật để xử lý tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng thực tiễn án loại này được đưa ra xét xử rất ít.
 
 
Theo các chuyên gia pháp lý, thực tiễn trên xuất phát từ khó khăn về vấn đề thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ. Bởi chứng cứ của vụ án là chứng cứ điện tử. Việc thu thập, bảo quản và xử lý các chứng cứ này để chứng minh tội phạm đòi hỏi phải tuân theo chu trình nghiêm ngặt, nếu không rất dễ làm mất dấu vết và không khôi phục được.
 
Chứng cứ điện tử nếu không được lưu giữ, giám sát theo quy trình được pháp luật quy định thì sẽ không bảo toàn được tính chính xác toàn vẹn so với nguyên gốc. Bởi đặc điểm của loại tài liệu này rất dễ bị sửa chữa, xóa bớt hay chèn thêm thông tin.
 
Trong thực tiễn, những dữ liệu máy tính thể hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm công nghệ cao cho đến nay chưa được coi là chứng cứ nếu không xử lý tốt bằng các biện pháp tố tụng, chuyển hóa. Ngoài ra, giữa các cơ quan tố tụng còn có những nhận thức chưa thống nhất về thủ đoạn phạm tội cũng như cách thức vận dụng pháp luật để giải quyết. Chính vì vậy, việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm là hết sức khó khăn.
 
Điển hình như vụ án Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng phạm xâm nhập vào website bán hàng trực tuyến ở nước ngoài lấy thông tin thẻ tín dụng của khách rồi in vào thẻ ATM giả. Từ đó, nhóm này đã rút tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng từ các máy ATM của một ngân hàng. Vướng mắc của vụ này là lần theo thông tin trên các thẻ ATM giả, cơ quan điều tra không xác định được cá nhân, tập thể nào là nạn nhân của vụ án. Phía ngân hàng cũng cho rằng: “Việc các bị cáo rút tiền tại các máy trên không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của ngân hàng trong việc làm đại lý quản lý máy”.
 
Hành vi của các bị can có dấu hiệu trộm cắp nhưng nếu không xác định được người bị hại thì liệu đã thỏa mãn cấu thành tội phạm? Liên ngành tố tụng trung ương đã trao đổi và TAND Tối cao có văn bản nhận định: “Việc chưa xác định được nạn nhân không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án nên truy tố các bị cáo về tội trộm cắp là hoàn toàn có căn cứ pháp luật”. Từ đó, hai cấp tòa sơ và phúc thẩm đã xét xử Tuấn và đồng phạm về tội trộm cắp, đồng thời tuyên sung công quỹ hơn 1,6 tỷ đồng do không xác định được nạn nhân.
 
Hay như các vụ lừa đảo đổi tiền thật lấy điểm ảo từ các website như Colony Invest, Forex... Mạng lưới đầu tư đa cấp lan rộng theo cấp số nhân nhờ chiêu lãi suất 2%-3%/ngày, tùy mức đầu tư và hoa hồng chót vót cho các trưởng nhóm thứ cấp. Nhưng thực tế là chiêu lấy tiền của người này bỏ vào túi người kia khiến nhiều nạn nhân cũng trở thành thủ phạm. Các cơ quan tố tụng nhận định dù bị cáo không biết hoạt động đầu tư trên website là thật hay giả thì việc họ giới thiệu, lôi kéo người khác bỏ tiền thật mua điểm ảo, hưởng lãi suất tính theo điểm tích lũy... đã đủ cấu thành tội lừa đảo.
 
Dễ bỏ lọt tội phạm
 
Tại một hội nghị tập huấn mới đây, TAND Tối cao nêu ra thực trạng trình độ của cán bộ tố tụng và trang thiết bị của các cơ quan pháp luật còn chưa được trang bị đầy đủ và phù hợp để xử lý các loại án này. Trong khi đây là loại tội phạm mới xuất hiện ở Việt Nam, rất phức tạp, các hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này thường rất khó phát hiện, đòi hỏi điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin.
 
Ngoài nhận thức và hiểu biết về công nghệ thông tin của cán bộ tố tụng còn hạn chế, các quy định của Bộ luật Hình sự cũng còn quá chung chung, mang tính nguyên tắc. Bộ luật Hình sự năm 1999 về loại tội phạm này (có bổ sung thêm một số tội danh mới năm 2009) nhưng mãi đến năm 2012 mới có văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, chuyện hiểu điều luật chưa thống nhất và bỏ lọt tội phạm là điều rất dễ xảy ra.
 
Lấy ví dụ hiện tượng cá độ qua Internet đang có xu hướng tăng mạnh, trong khi cơ quan tố tụng đang gặp không ít khó khăn từ việc phát hiện cho đến xử lý do thiếu hướng dẫn cụ thể. Các cán bộ tố tụng cho rằng không dễ phát hiện đường dây đánh bạc trên mạng, khi phát hiện thì việc triệt phá tận gốc cũng rất khó bởi hình thức đánh bạc này tổ chức theo hình kim tự tháp. Thông thường, các tập đoàn cá độ xuyên quốc gia thành lập một hệ thống gọi là “mạng tổng” ở các khu vực hay các nước. “Mạng tổng” sẽ lập ra các công ty để chia thành nhiều “mạng con” với số tiền trong tài khoản ít hơn. Các “mạng con” tiếp tục chia nhánh cho người chơi...
 
Sự phân cấp này giúp người vi phạm có khả năng trốn tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật. Nếu có bị phát hiện, thông thường chỉ có “cá nhỏ” sa lưới, còn “cá to” như người tổ chức mạng cá độ thì khó mà lần ra.
 
Chẳng hạn, vụ đánh bạc hàng triệu USD qua mạng mà TAND TP HCM vừa xử. Cơ quan điều tra xác định đầu năm 2007, Hoàng Đức An và một phụ nữ tên Tuyết (không rõ lai lịch) bàn bạc rồi An tổ chức cá độ các giải bóng đá nước ngoài qua mạng. Tuyết chuyển cho An một số mạng cá cược với tổng tài khoản 9,5 triệu USD. An giữ 10% giá trị tài khoản mạng, chia cho các bị cáo khác trong đường dây từ 5% đến 15%. Sau đó, An và đồng phạm vào các trang web trực tiếp tổ chức cho các con bạc vãng lai tham gia cá độ để hưởng chênh lệch 0,05%. Mỗi lần chung chi với Tuyết, An gọi điện thoại, Tuyết cử người giao nhận ngoài đường. Trong vụ này, cơ quan chức năng chỉ xử lý được An và cấp dưới. Riêng Tuyết cùng các đại lý cấp trên và “mạng tổng” thì không thể lần ra.
 
Khó truy cứu tin tặc nếu không sửa luật
 
Tại hội thảo về các hành vi vi phạm, tội phạm trong thương mại điện tử do Bộ Thương mại tổ chức vào tháng 6, đại diện Bộ Công an cho biết Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999 có ba điều luật điều chỉnh những hành vi trên Internet nhưng hầu hết đã lỗi thời. “Sự phát triển của Internet trong thời gian qua đòi hỏi những quy định mới. Quy định hiện hành rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tin tặc. Cụ thể, luật quy định việc phá hoại gây “hậu quả nghiêm trọng” hoặc từng bị kỷ luật, xử lý hành chính rồi mà tái phạm mới bị truy cứu hình sự. Nhưng trên Internet, yếu tố này rất khó xác định vì sự quan trọng của thông tin chứa trong máy tính hoặc mạng máy tính khó có thể đo đếm được”, vị đại diện Bộ Công an cho hay.
 
Vị này cho hay ở nhiều nước, luật quy định chỉ cần truy cập trái phép vào máy tính người khác là đã có thể bị xử lý hình sự, bất kể việc đó đã gây ra thiệt hại cho chủ nhân hay chưa.
 
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý và trang bị thêm công cụ cho cơ quan tố tụng, đồng thời bổ sung các hành vi liên quan đến vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử vào Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, cần bổ sung tính pháp lý của chứng cứ điện tử trong Bộ luật tố tụng hình sự và ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin để có cơ sở pháp lý xử lý loại tội phạm công nghệ cao.
 
Theo Pháp luật TP HCM
.