(BVPL) - Chứa chấp tài sản do phạm tội mà có, biết rõ nhưng không tố giác vẫn bình chân như vại, trong khi, vị Trưởng Công an xã chỉ vì câu nói thiếu trách nhiệm, lơ là quản lý lại bị coi là đồng phạm Cướp tài sản. Những dấu hiệu “bất thường” đó trong vụ án “Cướp tài sản” xảy ra tại huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) khiến dư luận không khỏi hoài nghi về sự “ưu ái” không nằm trong khuôn khổ pháp luật của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tứ Kỳ.
 
Có dấu hiệu mớm cung?
 
Theo nội dung vụ án, sáng ngày 28/6/2014 , Đặng Văn Trường cùng Bùi Tiến Tuấn, Phạm Khánh Tùng, Nghiêm Xuân Hòa, Vũ Hữu Tùng, Bùi Văn Thoại đã vào công trường (thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) lấy cắp sắt. Chưa dừng lại ở đó, trưa cùng ngày, Trường và Thoại tiếp tục vào công trường uy hiếp anh Nguyễn Quốc Long (phó chỉ huy công trường), yêu cầu đưa số điện thoại đồng thời thông báo hành vi trộm cướp của mình. Từ 23giờ ngày 28/6/2014 đến sáng ngày 29/6/2014, các đối tượng này đã 3 lần dùng vũ lực đe dọa, cướp sắt của công trường. Sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Hữu Thu (lúc này là Trưởng Công an xã Tứ Xuyên) đã có văn bản báo cáo lên Công an huyện Tứ Kỳ. Sau đó, hầu hết các đối tượng trộm cướp trên đã đến cơ quan công an đầu thú. Khoảng  1 năm sau, Đặng Văn Đức (nguyên Công an viên xã Tứ Xuyên), Nguyễn Hữu Thu bị khởi tố, bắt tạm giam vì bị cáo buộc đồng phạm, giúp sức cho nhóm tội phạm trên.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Kết luận điều tra cho rằng: Nguyễn Hữu Thu được anh Nguyễn Quốc Long (phó chỉ huy công trường) 3 lần gọi điện thông báo việc có nhóm đối tượng vào đe dọa đánh công nhân để lấy cắp sắt, được Đức báo cáo về việc nhóm của Tuấn vào công trường lấy sắt nhưng Đức và Thu đã không ngăn chặn, không kiểm tra để xử lý mà còn đồng ý, xúi giục, giúp sức về tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng chiếm đoạt sắt công trường. Đức, Thu bị xác định có vai trò thứ tư trong vụ án, cùng bị truy tố về tội Cướp tài sản, bị đề nghị xử theo điểm d, khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Hình sự.

 
Trước hết, cần phải thừa nhận việc Công an huyện Tứ Kỳ khẩn trương vào cuộc, bắt giữ các đối tượng phạm tội là điều hết sức cần thiết nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Luật sư  Đinh Vinh Dự (Đoàn LS. tỉnh Hải Dương), với trường hợp của bị cáo Nguyễn Hữu Thu trong vụ án này, cơ quan CSĐT (Công an huyện Tứ Kỳ) đã cố tình dùng biện pháp “mớm cung” để quy kết tội danh; căn cứ để buộc tội Nguyễn Hữu Thu hoàn toàn dựa vào lời khai của các đối tượng phạm tội, lời tố cáo của nhân chứng trong khi Nguyễn Hữu Thu trước sau kêu oan, không thừa nhận phạm tội. Đây là điều không thể chấp nhận, cần phải khẩn trương xem xét để tránh xảy ra oan sai.
 
Bảo vệ quan điểm trên, Luật sư Đinh Vinh Dự phân tích: Nguyễn Hữu Thu chỉ được cơ quan CSĐT “chú ý” khi có lời tố cáo của vợ chồng ông bà Phượng, Óng (bố mẹ đẻ của đối tượng Tuấn). Ông bà Phượng, Óng tố cáo Thu đã nhắn tin, gọi điện để bàn bạc, thông báo, đồng thời trợ giúp về tinh thần cho các đối tượng ăn cắp sắt. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ vụ án, Luật sư Dự khẳng định hoàn toàn không có việc nhắn tin, gọi điện giữa các bên. Vì thế, lời khai, tố cáo của ông, bà Phượng, Óng là mâu thuẫn, không đáng tin. Sau đó, cơ quan CSĐT lại “chuyển hướng” sang “mớm cung” nhóm đối tượng trực tiếp trộm cướp. Dấu hiệu “mớm cung” thể hiện rõ ở chỗ tất cả lời khai nhằm tố cáo Nguyễn Hữu Thu đều giống nhau đến khó tin. Điểm đáng chú ý là những lời khai này chỉ “xuất hiện” trong giai đoạn về sau trong khi những người làm nghề luật đều biết rằng: Lời khai giai đoạn đầu bao giờ cũng khách quan, chính xác hơn giai đoạn về sau. 
 
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngay từ lúc đầu bị khởi tố, tạm giam các đối tượng không hề khai báo về vai trò đồng phạm (như cáo trạng nêu – PV) của Nguyễn Hữu Thu? Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT dựa vào lời khai của các đối tượng “Thu nói: Lấy của dân mình thì mới sợ, lấy của công ty thì không sợ gì, công ty nó còn nợ tiền bác” để chứng minh Thu là đồng phạm, giúp sức cho các đối tượng cũng không thuyết phục vì đây hoàn toàn là lời khai một phía trong khi Thu trước sau phủ nhận.
 
“Ở đây, không hề có dấu hiệu đồng phạm, giúp sức của Nguyễn Hữu Thu. Bởi vì, Thu không có động cơ phạm tội, không được bàn bạc, chia chác gì. Khi nhận được tin báo, Thu cũng đã tới hiện trường kiểm tra và chưa phát hiện việc trộm cướp. Thu đến nhà Phượng, Óng là để kiểm tra việc tụ tập đông người gây ồn ào chứ không biết các đối tượng trộm cướp đang tụ tập, ẩn náu. Thu cũng đã hỏi Trường và được Trường trả lời đã vứt trả lại công trường. Có chăng, sai phạm của Thu chỉ là thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của ngành chứ không có việc trợ giúp, hỗ trợ về tinh thần cho các đối tượng trộm cướp. Nếu đúng như quan điểm của cơ quan CSĐT, thì Thu phải giữ vai trò cầm đầu vì nếu Thu, Đức không bỏ qua cho nhóm đối tượng trộm cắp (như đã nêu) thì hành vi phạm tội không thể diễn ra. Trong vụ án này, cơ quan CSĐT đang “cố” ép Nguyễn Hữu Thu vào tội Cướp tài sản…” – Luật sư Đinh Vinh Dự khẳng định. 
 
Bỏ lọt tội phạm
 
“Tại sao Nguyễn Hữu Thu bị quy kết vào tội Cướp tài sản? Tôi cho rằng: Phải chăng nhằm gỡ tội cho Nguyễn Tiến Óng, Nguyễn Thị Phượng (bố, mẹ Tuấn) nên phải khởi tố, bắt giam Thu?” – Luật sư Dự đặt câu hỏi.
 
Theo điều tra, hai người này không  bị xử lý hình sự vì không biết Trường và đồng phạm dùng xe ba gác của gia đình chở số sắt do phạm tội mà có. Điều này là hết sức vô lý vì trong một đêm, Trường và đồng bọn có hành vi trộm cắp tài sản tới ba lần, lần nào cũng mang sắt về tập kết tại nhà ông Óng, bà Phượng mà chủ hộ lại không hề hay biết? Thậm chí theo lời khai của các nhân chứng thì 1 giờ đêm ngày 29/6/2014 Thu, Đức có đến nhà ông Óng, lúc này có cả Trường và đồng bọn gây ồn ào lúc đêm khuya mà ông Óng, bà Phượng cũng không biết?
 
Đồng thời một chi tiết cũng đã được các cơ quan tố tụng nêu rõ: “Sáng ngày 29/6/2014, Phạm Minh Hải ( người thu mua phế liệu) có đi xe máy đến nhà Tuấn và gặp ông Bùi Tiến Óng, là bố đẻ của Tuấn. Khi vào cổng nhà ông Óng, Hải có nhìn thấy ở cạnh đống rơm, giáp cổng ra vào có để ít sắt và Hải có hỏi ông Óng “Hôm qua em nó lại lấy sắt hả chú?”, ông Óng trả lời: “ Ừ, hôm qua chúng nó lấy được một ít”. Bản thân Hải biết số sắt để cạnh đống rơm nhà ông Óng là do Tuấn và đồng bọn đã chiếm đoạt tại công trường thi công cầu Thái Bình. Vì vậy, Hải không dám mua vào ban ngày nên Hải đã đi về xã Tây Kỳ, đến tối ngày 29/6/2014, Hải mới đi xe máy biển số 16N8-4504 đến nhà ông Óng để mua số sắt trên”. Cuộc hội thoại đã chứng minh ông Óng biết rất rõ nguồn gốc số sắt này. Chính vì thế, vợ chồng ông Óng , bà Phượng, phải giữ vai trò đồng phạm, hỗ trợ cho các đối tượng phạm tội (chứa chấp tài sản trộm cắp). Theo Luật sư Dự, vợ chồng Phượng, Óng phải bị xử lý về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội, biết rõ hành vi trộm cướp nhưng che giấu, không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà cơ quan CSĐT Công an huyện Tứ Kỳ lại cố tình bỏ lọt tội phạm? 
 
Báo BVPL sẽ tiếp tục phản ánh về vụ án này.
 
Nhóm PVPL