(BVPL) - Gia đình bà Lê Thị Lệ Chi (ngụ ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) thấy địa phương còn nhiều khó khăn, lấy lại đất trường học sẽ gây khó khăn cho việc học hành của con em trong khu vực nên gia đình vẫn để địa phương tiếp tục sử dụng. Nào ngờ, chính quyền lại nhập nhèm đất trường, hơn 5.000m2 đất kế cận cũng bị trưng dụng để xây chợ, phân lô rồi cấp, bán cho nhiều người nhưng lại không đả động gì đến quyền lợi hợp pháp của gia đình sở hữu, sử dụng đã nhiều năm.
Đẩy người dân vào cảnh khốn cùng?
Chuyện thật như đùa này vẫn đang khiến dư luận ngao ngán, một số còn bức xúc khi các đồng sở hữu càng ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng vì bị "hành" nhiều năm qua. Nguyên nhân xuất phát từ lòng tốt của gia đình bà Lê Thị Lệ Chi là hiến trường. Ngược lại, sau khi trường bị bỏ, ngôi nhà 3 tầng hai mặt tiền của một lãnh đạo hàng đầu của địa phương lại mọc lên bất chấp những khiếu nại, tố cáo của chủ đất và phản ứng từ phía dư luận.
Sau hơn 19 tháng, được nhiều cơ quan trung ương tiếp nhận chỉ đạo, chuyển đơn tố cáo Chánh Thanh tra huyện Chợ Lách - Bùi Quang Dẩu, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Chợ Lách - Nguyễn Ngọc Phong và Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre... gia đình hiến đất xây trường cũng có được "câu trả lời cuối cùng" của UBND tỉnh Bến Tre. Đó là công văn số 3566/UBND-NC ký ngày 16/7/2015, trả lời khiếu nại đòi lại phần đất có nguồn gốc gia đình của bà Lê Thị Lệ Chi. Trong đó, UBND tỉnh Bến Tre đã công nhận Quyết định 524 của UBND huyện Chợ Lách và Quyết định 1920 của UBND tỉnh Bến Tre. Công văn này còn cho rằng: "Hiện nay, phần diện tích 5.732m2 đất này, UBND huyện Chợ Lách đã sử dụng xây mở rộng chợ. Việc bà Chi khiếu nại yêu cầu trả đất hoặc bồi thường tiền là không phù hợp pháp luật nên không có cơ sở xem xét... Và từ nay, mọi thắc mắc khiếu nại của bà Chi có liên quan đến phần đất trên, UBND tỉnh không xem xét, giải quyết".
|
Căn nhà hoành tráng của Chủ tịch huyện Chợ Lác xây trên phần đất 5.968m2 mà gia đình bà Chi đang khiếu nại. |
Như vậy, UBND tỉnh Bến Tre đã chính thức giải quyết dù vụ việc còn quá nhiều khuất tất. Cụ thể, trường học là do gia đình ông Lê Tấn Hành (Bố của bà Lê Thị Lệ Chi) cho mượn nhưng đã hết hạn từ năm 1973. Do đó, đất mà UBND huyện quản lý và thực hiện quy hoạch xây chợ khu A, B và cấp, bán cho nhiều người khác có nguồn gốc sở hữu của ông Hành, không phải là cơ sở của chế độ cũ mà UBND huyện đã nại ra để tiếp thu, quản lý như một chiến lợi phẩm.
Bà Chi bức xúc cho biết, toàn bộ khu đất của gia đình có nguồn gốc rõ ràng, giấy tờ vẫn còn lưu giữ từ 1939 đến nay. Trong quá trình sử dụng cũng chưa vi phạm chính sách đất đai, vì vậy Nhà nước đã quy hoạch xây chợ, cấp phát cho cán bộ và bán cho người dân thì nhất thiết phải ban hành quyết định thu hồi đất, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân bị mất đất.
Với những khuất tất này, hiện gia đình bà Chi chỉ còn biết trông mong vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền, lãnh đạo các cấp trung ương vào cuộc điều tra, xem xét, giải quyết thỏa đáng những phần đất mà huyện đã sử dụng làm chợ, bán cho dân và cấp phát cho cán bộ. Như dư luận đã từng đề cập, từ năm 1993, sau khi ông Hành chấm dứt hành trình khiếu kiện bằng cơn đột quỵ và qua đời không lâu sau đó, bà Chi đã thay cha mình liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền địa phương và đều nhận được những kết quả trả lời qua loa. Đại loại, phần đất hiến để xây trường vào năm 1958, sau giải phóng nhà nước tiếp tục sử dụng trường học cho tới nay. Riêng phần đất gia đình ông Hành đã cho các hộ mướn vào năm 1996, trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án...
Trong khi đó, hồ sơ lưu giữ của gia đình bà Chi lại cho thấy, phần đất còn lại gia đình sau giải phóng đến nay chẳng có hộ nào sinh sống trên mảnh đất này.Và nếu thực tế có cũng đều nằm trong sự quản lý của UBND huyện Chợ Lách, với bằng chứng là lồng chợ, nhà phố được mọc lên sau khi chính quyền địa phương cấp, bán đấu giá cho nhiều người. Nổi bật là ngôi nhà cao tầng đồ sộ của một lãnh đạo địa phương đang "trêu ngươi" người dân địa phương.
Tiếp đó, bà Chi khiếu nại lên cấp cao hơn. Và ngày 5/9/2006, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định 1920/QĐ-UB để khẳng định, đất của ông Hành được thừa hưởng từ cha mình, diện tích đo đạc năm 1992 là 10.004m2 nhưng đã hiến xây trường mới hết 4.036m2. Tuy nhiên, thay vì chính quyền trả phần diện tích còn lại, Phó Chủ tịch tỉnh lại “lấp lửng”, không trả vì lý do phần đất còn lại có nhiều hộ xây cất từ trước 1975 trong khi bà Chi lại không có giấy tờ chứng minh nên không có cơ sở xem xét. Thế nhưng thực tế không phải vậy, phần đất gia đình chị Chi hiến làm trường cách khu đất trống 5.968m2 là một con lộ. Khu đất bỏ trống cho đến giữa năm 2011 mới tiến hành xây chợ (Khu A) và phân lô bán nền.Còn khu đất hiến xây trường học cũng được biến thành chợ (khu B).
Mất sạch đất vì... hiến trường!
Theo hồ sơ vụ việc, ông Lê Tấn Hành (SN: 1927, ngụấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) được thừa hưởng từ cha mình, với nguồn gốc có từ ông bà nội là Lê Tấn Sĩ và Nguyễn Thị Giác để lại.Ngoài diện tích được thừa hưởng, ông Hành còn mua lại một phần thừa kế của chú ruột là Lê Tấn Cự. Tất cả việc thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế, mua bán đất đai giữa các thành viên trong gia đình cũng đều thể hiện qua giấy trắng mực đen, có cả xác nhận của chính quyền quản lý hiện tại.
Vào năm 1990, gia đình ông Hành cùng Thanh tra huyện, Ban quản lý ruộng đất tiến hành đo đạc thực tế và diện tích được xác định là 10.004m2. Tuy nhiên trước đó, khi chưa chia thừa kế đại diện gia đình ông Hành có làm giấy hiến một phần diện tích đất cho Hội đồng xã Sơn Định làm trường học với thời hạn mượn là 15 năm. Đến năm 1973, thời hạn 15 năm mượn đất xây trường đã hết nhưng địa phương còn thiếu trường học nên chưa yêu cầu trả lại. Thế nhưng, sau giải phóng, Nhà nước tiếp quản trường học và quản lý luôn cả phần đất bên cạnh do ông Hành đang canh tác.
Khu đất hiến xây trường sau đó được xác định diện tích 4.036m2. Gia đình ông Hành yêu cầu trả phần đất còn lại là 5.968m2 theo chính sách trao trả lại đất cho một số hộ đã bị quản lý trước đó nhưng không được giải quyết. Kể từ đây (tháng 7/1990), ông bắt đầu liên tục có đơn gửi đến các cấp chính quyền địa phương xem xét, giải quyết cho gia đình ông được xin lại quyền sở hữu khu đất của gia đình. Cụ thể, tháng 7/1992, Chánh thanh tra huyện Chợ Lách - Bùi Quang Dẩu thừa nhận, phần đất có nguồn gốc và quá trình sử dụng đúng như gia đình ông Hành trình bày nhưng lại không giải quyết với lý do hết sức vô căn cứ. Cụ thể, ông Chánh Thanh tra huyện cho rằng gia đình ông Hành không khai trong sổ bộ của chế độ cũ, nhưng thực tế tất cả tài liệu liên quan đến khu đất này gia đình đều còn lưu giữ, từ giấy hiến đất xây trường cho Hội đồng xã Sơn Định năm 1958, tờ giao kèo thuận phân năm 1965 có xác nhận của chính quyền địa phương lúc bấy giờ... đều thể hiện rõ, khu đất thuộc sổ địa bộ cũ 85, còn sổ mới là 634, 635.
Chấp nhận giao đất trường học cả ngàn mét vuông đất cho địa phương quản lý, sử dụng. Nhưng hơn 5.000m2 đất liền kề của gia tộc nhất định phải lấy để làm nơi sinh sống cho hơn 40 thành viên trong gia đình... Lời căn dặn của ông Hành uất ức trước khi mất, tiếp tục thôi thúc bà Lê Thị Lệ Chi (SN: 1962), con gái ông Hành đi tìm công lý, đòi lại quyền lợi chính đáng của gia đình. Dù mới đây, UBND tỉnh Bến Tre gần như "bít cửa" giải quyết vụ việc nhưng bà Chi vẫn kỳ vọng, các lãnh đạo trung ương sẽ công minh, khách quan hơn khi xem xét vụ việc.
Nhìn bà Chi ngày ngày vác chồng đơn đi khiếu kiện khắp nơi, người dân địa phương chỉ biết lắc đầu ngao ngán, rồi lẳng lặng thầm khuyên nhau đừng bao giờ để lòng tốt nhầm chỗ: "Hiến đất xây trường không những không để lại tiếng thơm cho con cháu mà còn khiến con cháu phải ngậm ngùi chịu "hành" lên "hành" xuống như vậy thì...".
Tăng Định