(BVPL) - Không họ hàng thân thích, quen biết chỉ ở mức độ xã giao, nhưng chị Bùi Thị Trang (SN 1983, trú tại thôn 1, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vẫn sẵn sàng cho Đỗ Văn Chung (SN 1982 ở thôn Ha, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng yên) vay số tiền lên tới hàng tỷ đồng, không cần tài sản thế chấp. Thậm chí, số nợ trước quá hẹn chưa trả, chị Trang vẫn "tin tưởng" cho Chung vay tiếp. Đến khi Đỗ Văn Chung mất khả năng thanh toán, để xử lý "nợ xấu" của mối quan hệ giao dịch dân sự "khó hiểu" này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đỗ Văn Chung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Bảo làm ăn, là vay được tiền
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hưng Yên, căn cứ để khởi tố Đỗ Văn Chung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là việc để vay được tiền của chị Trang, Chung đã viện ra lý do cần tiền làm ăn, từ đó chị Trang đã "tin tưởng" rót vốn cho Chung vay. Nhưng thực chất, số tiền đó Chung đã đem đi tiêu xài và đánh bạc. Hành vi "gian dối" nhằm lừa đảo vay mượn tiền của chị Trang để tiêu xài cá nhân, không dùng đúng mục đích khi hỏi mượn tiền của Chung đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên kết luận là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vậy chứng cứ vật chất được coi là yếu tố quyết định để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố Đỗ Văn Chung là gì?
|
Phiên toà xử Đỗ Văn Chung sau nhiều lần bị hoãn vẫn chưa thể diễn ra |
Đó là 20 tờ giấy viết tay vay nợ giữa Chung và chị Trang, thể hiện số tiền Chung vay chị Trang là 2,4 tỷ đồng (bao gồm cả 16 triệu đồng tiền lãi).
Điều kỳ lạ ở những tờ giấy viết tay này đó là trong tất cả các lần vay tiền của Chung với chị Trang từ lần đầu tiên cho đến lần cuối cùng, Chung đều sai hẹn khi vay tiền, nhưng lần sau chị Trang vẫn tiếp tục cho Trung vay tiếp, thậm chí số tiền cho vay lần sau còn lớn gấp nhiều hơn lần trước. Và tại tất cả các lần vay, khi thì dăm chục, một trăm, khi thì cả trăm triệu đồng Trung chỉ phải viết sơ sài vài dòng nhận nợ, có giấy ghi mục đích, có giấy chỉ ghi số tiền vay, và đặc biệt là Chung không hề phải để lại bất kỳ tài sản thế chấp gì.
"Lòng tốt" của chị Trang đúng là kỳ lạ, một người không phải họ hàng thân thích, không phải chỗ quen biết thâm tình, ấy vậy mà cứ bảo cần tiền làm ăn không cần tài sản đảm bảo, và cũng bất chấp việc Chung đã "bất tín" sai hẹn với mình trong các lần vay trước là sẵn sàng cho vay luôn. Người có tiền tỷ, đem đi cho vay mà "nhẹ dạ" như chị Trang, có lẽ phải liệt vào dạng "của hiếm" bây giờ.
"Nhẹ dạ" hay cho vay tiền chuyên nghiệp?
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, số tiền Chung vay Trang là đều vay có lãi. Lãi suất cho vay Trang lấy của Trung là 1.500 đồng/ngày/triệu tính trên số tiền vay (tương đương với 4,5%/tháng, bằng 54% năm). Cả Trang và Chung tại phiên tòa đều khai nhận vay có lãi và đều đã có trả lãi vay trên thực tế. Ở khía cạnh khác, hồ sơ vụ án cũng thể hiện, Trang không có tiền nhưng vẫn huy động tiền của người khác để cho Chung và một số đối tượng khác vay.
Trang khai: “Tôi đã đòi nhiều lần không trả, Chung lấy lý do xin vay thêm để có tiền làm ăn rồi trả, vì tôi muốn lấy lại số tiền đã cho vay nên tôi đành phải đi vay để cho Chung vay”. Khi cơ quan điều tra hỏi tại sao biết bị lừa vẫn đưa tiền cho Chung, Trang khai rằng: “Chung nói vay ở ngoài họ đến đòi thì mất danh dự, khó trả nợ cho tôi nên đành phải làm như vậy”.
Phải chăng số tiền lãi quá lớn 54%/năm (gấp nhiều lần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng) đã khiến chị Trang "nhắm mắt" cho Chung vay tiền?
Trong đơn kêu cứu gửi tới báo BVPL, bà Nguyễn Thị Toan, mẹ đẻ của Chung, cho biết, Trang chính là đối tượng cho vay nặng lãi ở địa phương. Tổng số tiền Chung vay là 1,2 tỷ đồng, số nợ hiện nay lên đến gần 2,4 tỷ đồng mà Trang tố cáo là đã cộng cả phần lãi vay. Chính Trang cũng đã có lần gọi điện cho bà Toan nói: “Bác ơi, thực ra tiền cháu cho anh Chung vay chỉ khoảng 1,2 tỷ thôi, bác trả cho cháu đi. Hình thức trả là mỗi tháng trả 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)”.
Phân tích về điều này, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho Chung) cho rằng, điều đó chứng minh Trang đi vay tiền để cho vay lại, đây là kinh doanh tiền. Trang vì muốn lấy tiền đã cho vay cũ nên tiếp tục cho Chung vay tiền, như vậy là ý thức chủ quan của Trang, Chung đâu có lừa. Số tiền vay mỗi đợt đều có hạn trả, đến hạn không trả Trang vẫn tiếp tục cho vay, chứng tỏ Trang không quan tâm đến mục đích và khả năng trả nợ của Chung. Nếu Trang quan tâm thì không thể có việc đến cả 40 lần nói vay là cho vay, mục đích vay không biết. “Chỉ có thể là cho vay lấy lãi, vay càng nhiều càng có lãi nên mới không quan tâm đến mục đích, đến hạn trả nợ không trả được mà vẫn cho vay”, luật sư Phúc nói.
Bên cạnh đó, tại phiên toà ngày 28/11/2014, từ đầu đến cuối chị Trang đều chỉ thừa nhận cho một mình chung vay, không cho ai vay ngoài Chung. Đến khi luật sư thu thập chứng cứ lại phát hiện, Trang có cho Thành, Khéo vay và đã tố cáo ra cơ quan pháp luật. Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung thì Trang mới thừa nhận và khai là có cho cả Thành và Khéo vay nhưng trước đây không khai. Hồ sơ điều tra cũng thể hiện, qua quen thân với em gái Chung là Đỗ Thị Phương thì Trang mới biết Chung. Trước đó, chính Trang là người nhờ Chung, Phương môi giới xem ai có nhu cầu vay tiền thì giới thiệu để Trang cho vay. Tại phiên tòa, Phương khai, vì Trang nhờ nên Chung và Phương cũng đã giới thiệu cho Trang một số khách vay tiền ở An Vỹ, Khoái Châu. Điều đó chứng tỏ, Trang là người cho vay tiền chuyên nghiệp để thu lãi. Vậy còn biết bao đối tượng vay khác mà chưa hé lộ?
Liên tục hoãn xử?
Vụ án đã được mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai ngày 28/11/2014 và ngày
20/3/2015. Với những luận điểm mang tính thuyết phục cao của Luật sư bào chữa cho Chung bác bỏ các chứng cứ của Cơ quan CSĐT, cùng với lời khai của Trang tại Cơ quan điều tra cũng như tại chính phiên toà thể hiện "tiền hậu bất nhất", TAND tỉnh Hưng Yên đều đã phải ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ quan trọng trong vụ án nhằm xét xử khách quan, toàn diện và có căn cứ hợp pháp, không làm oan sai người vô tội.
Và mới đây nhất ngày 12/08/2015, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử, nhưng cả hai lần trên, phiên toà đều phải tạm hoãn với cùng một lý do: Luật sư của bị hại... không có mặt. Việc trì hoãn phiên toà từ phía người bị hại khiến dư luận đặt ra không ít nghi ngờ về sự "thoái thác", "thiếu trách nhiệm" từ phía người bị hại xung quanh vụ án này? Phải chăng có những "góc khuất" trong các giao dịch vay tiền của phía bị hại đã được "lộ sáng", khiến bản thân phía bị hại cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hưng Yên loay hoay, khó xử?
Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hưng Yên cần xem xét, đánh giá lại toàn bộ chứng cứ khách quan, toàn diện của vụ án này, để tránh làm oan sai cho người vô tội, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hồng Vinh